Thế giới vượt mốc 200 triệu ca COVID-19 và sự "thống trị" của biến thể Delta

Biến thể Delta đã khiến thế giới vượt mốc 200 triệu ca mắc COVID-19

Số ca tử vong vì COVID-19 tăng nhanh, biến thể Delta đang "nhấn chìm" Đông Nam Á

Thế giới hơn 161 triệu người mắc COVID-19, diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á

Indonesia vượt Ấn Độ, trở thành tâm dịch lớn nhất Châu Á

Biến chủng Delta đang càn quét châu Âu và châu Á

Sự gia tăng toàn cầu các ca bệnh COVID-19 đang làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Số ca nhiễm đang tăng vọt từng ngày ở khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới, mà nhiều nước trong số đó thậm chí còn chưa tiêm được mũi vaccine đầu tiên cho một nửa dân số.

Theo Reuters, mức độ lây lan hiện nay đã tương đương giai đoạn điểm đỉnh dịch hồi tháng 7 năm ngoái, tức là cứ 2 ngày có thêm 1 triệu ca nhiễm mới, nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Đáng lưu ý, thế giới ghi nhận 100 triệu ca mắc COVID-19 vào ngày 26/1/2021, tức là hơn 1 năm kể từ khi các ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc. Chưa đầy 7 tháng sau, số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 100 triệu, cho thấy mức độ nguy hiểm của biến thể Delta.

WHO cảnh báo biến thể Delta đang trở thành biến chủng "thống trị" toàn cầu và làm đảo lộn các các giả định về dịch bệnh khi nhiều quốc gia tưởng đã kiểm soát được COVID-19 nay lại rơi vào làn sóng lây nhiễm mới nguy hiểm hơn trước rất nhiều, thậm chí những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao cũng đang vất vả ứng phó với biến thể này.

Cho đến nay, biến thể Delta đã lây lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong vòng một tuần qua, hơn 4 triệu ca mắc mới đã được ghi nhận. Các quốc gia được báo cáo về số ca nhiễm cao nhất trong vòng 1 tuần qua bao gồm: Mỹ, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Iran - chiếm khoảng 38% tổng số các trường hợp được báo cáo mỗi ngày trên toàn cầu.

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang trở thành biến chủng "thống trị" toàn cầu bởi sự lây lan nhanh "chưa từng có"

Tại Mỹ, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới với 70% dân số đã tiêm mũi 1 và gần 50% dân số tiêm đủ 2 mũi vào đầu tháng 8. Tuy vậy, quốc gia này trong 1 tuần qua đang ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày là hơn 100.000 ca, cao nhất kể từ tháng 2/2021 với khoảng 80% do biến thể Delta, số ca tử vong hàng ngày tăng 33% và số người nhập viện tăng trung bình tăng 46% so với tuần trước đó.

Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để kiểm soát được đại dịch và đưa ra một loạt biện pháp mới, kể cả đeo khẩu trang khi đã tiêm đủ vaccine hay làm việc ở bất kỳ địa điểm nào.

Trong khi đó, diễn biến dịch tại Châu Âu đang phức tạp trở lại với số ca mắc mới tăng trung bình 10% mỗi tuần kể từ đầu tháng 7, sau giai đoạn 10 tuần giảm liên tục. Cho đến nay, toàn Châu Âu đã ghi nhận hơn 60 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu trường hợp tử vong. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu ước tính tới cuối tháng 8, biến thể Delta sẽ chiếm tới 90% trong tổng số các ca bệnh ở Liên minh châu Âu. Ngay tại Anh, nước có tỷ lệ dân số tiêm vaccine lên tới hơn 71%, làn sóng dịch mới với hơn 80% do biến thể Delta cũng khiến số ca mắc mới COVID-19 mới tăng, trung bình hơn tổng cộng 31.000 ca/ngày.

Cuộc chiến chống COVID-19 đã chính thức bước sang giai đoạn mới khi biến thể Delta lây nhanh và mạnh hơn, và đại dịch này dần biến thành đại dịch của những người chưa tiêm vaccine và những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Tổng Giám đốc WHO ngày 4/8 đã kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều, ít nhất là đến cuối tháng 9 tới. Việc trì hoãn này nhằm bảo đảm rằng các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm ngừa COVID-19. 

Tâm dịch quay trở lại Châu Á

Trung Quốc cũng đang đối phó với đợt bùng phát lớn nhất trong nhiều tháng qua sau khi ổ dịch từ một sân bay ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của nước này với hơn 400 ca mắc được xác nhận tính đến hôm 4/8.

Tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi ghi nhận những ca COVID-19 đầu tiên, nhà chức trách cho biết sẽ làm xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 12 triệu dân tại đây. Quyết định này được đưa ra sau khi Vũ Hán xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Delta trong thành phố này. Vũ Hán đã không phát hiện thêm ca mắc nào trong cộng đồng kể từ giữa tháng 5/2020. 

Chiếm 8% dân số thế giới nhưng khu vực Đông Nam Á đang ghi nhận gần 15% số ca mắc mới trên toàn cầu mỗi ngày. 

Vũ Hán đang triển khai xét nghiệm COVID-19 cho 12 triệu dân tại thành phố này trước đợt bùng phát mới nhất sau nhiều tháng ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trong tháng 7 vừa qua, Indonesia đã đối mặt với cơn "sóng dữ" khi số ca bệnh bùng phát theo cấp số nhân trở thành quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, tổng người tử vong vì dịch bệnh đã vượt mốc 100.000 ca vào ngày 3/8. Hiện nay, trung bình trong 5 ca tử vong do COVID-19 được phát hiện trên thế giới mỗi ngày lại có 1 ca tại “xứ vạn đảo”. Biến thể Delta chiếm tới 86% mẫu bệnh phẩm được xem xét trong 60 ngày qua tại 24 tỉnh thành ở nước này. Đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo làn sóng lây nhiễm trong nước đã đạt đỉnh khi số ca nhiễm mới tính theo ngày bắt đầu giảm. 

Trong khi đó, tại Nam Á, vừa thoát ra khỏi đợt bùng phát nguy hiểm nhất trong tháng 4 và 5/2021, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh trở lại với 44.230 số ca nhiễm được ghi nhận trong ngày vào 1/8. 

Trong 24 giờ qua, tình hình Thái Lan đang nghiêm trọng hơn, với ca nhiễm mới đứng thứ 2 trong khu vực - 18.901 ca trong ngày, nâng tổng ca bệnh lên 652.185 người, bao gồm 5.315 ca tử vong. Trong khi đó, Malaysia có số ca nhiễm mới đứng thứ 3 trong khối ASEAN với 17.105 trường hợp, nâng tổng ca bệnh lên 1.163.291 người, bao gồm 9.598 ca tử vong.

Hàn Quốc cũng vừa thông báo ghi nhận 2 ca mắc biến thể Delta Plus, loại đột biến được đánh giá dễ lây hơn biến thể Delta, ở một người đàn ông không có tiền sử đi du lịch và một du khách nước ngoài. Hàn Quốc đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 với trung bình hàng nghìn ca mới mỗi ngày, vượt mức đỉnh điểm của đợt dịch cuối tháng 12 năm ngoái. Đáng lo ngại hơn, số ca tử vong ở các bệnh nhân trẻ tuổi (ở độ tuổi 20) chưa được tiêm chủng có dấu hiệu gia tăng.

Trong khi đó, giới chức y tế Nhật Bản cảnh báo, COVID-19 đang lây lan với tốc độc "chưa từng có" khi số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng lên kỷ lục. Riêng trong ngày 4/8, thủ đô Tokyo ghi nhận gần 4.200 ca nhiễm mới. Gần 70% giường cho bệnh nhân COVID-19 nặng đã kín vào ngày 1/8. Bác sỹ Hironori Sagara, Giám đốc Bệnh viện Đại học Showa cho biết, các bệnh viện ở Tokyo đang rơi vào quá tải, nhiều bệnh viện phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân.

WHO cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Trước sức ép của biến thể Delta, nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược chống dịch, áp dụng hàng loạt biện pháp quyết liệt, đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng đại trà với hy vọng sớm ngăn chặn đà lây lan của virus.

Hiệp Nguyễn H+ (Theo Reuters/SCMP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn