Chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch ở Hà Nội khó lường, cần kiểm soát chặt hơn

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Hà Nội - Ảnh: MOH.

Hà Nội phát hiện thêm nhiều F0 tại ổ dịch Quốc Oai

Bộ trưởng Bộ Y tế lo ngại nguy cơ bùng phát dịch

Hà Nội phát hiện F0 trong cộng đồng, An Giang thực hiện "giới nghiêm"

Sau gần 2 tuần, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca mắc trong cộng đồng

Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội đã trải qua 180 ngày kiên cường, chủ động giữ an toàn cho địa bàn, đồng thời đang tích cực thiết lập trạng thái "bình thường mới."

Tuy nhiên, với đặc điểm dân số đông, lượng người nhập cư lớn, lại là đầu mối giao thông quốc gia, trung tâm giao lưu nên thời gian tới, Hà Nội cần chủ động, linh hoạt hơn nữa, có các giải pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lưu ý, đối với Hà Nội, nguy cơ dịch vẫn rất cao, diễn biến phức tạp, khó lường, cần cảnh giác cao độ, theo Vietnam+.

Trong mấy ngày qua, người dân từ các vùng dịch về Hà Nội được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tương đối nhiều, trong khi tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 còn thấp. Tính đến 7h sáng 26/10, "ổ dịch" nóng nhất Hà Nội là Quốc Oai đã ghi nhận 19 ca dương tính, liên quan nhiều cơ quan như công an, tòa án huyện, thị trấn... Kết quả điều tra, truy vết cho thấy có 486 trường hợp F1, 134 F2 ở các quận, huyện, thị xã: Quốc Oai, Thanh Oai, Hà Đông, Sơn Tây. Ngoài ra, còn có 1.108 người liên quan.

Chốt cách ly tại Khu tập thể Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai, thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) - Ảnh: Hanoimoi

Theo Soha, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, việc xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng hoàn toàn không bất ngờ và trong thời gian tới, chắc chắn sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm mới ở ổ dịch này. Thêm nữa, các chuyên gia cho rằng, khi người chưa tiêm từ nơi khác đổ về thủ đô, miễn dịch cộng đồng cả nước chưa cao… lúc này Hà Nội phải đặt kiểm soát rất chặt, nếu không dịch lại bùng lên. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội cần triển khai một số giải pháp chính như thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện "mục tiêu kép;" thường xuyên xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ đặc biệt; xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chỉ khi người dân thực hiện tốt thì các biện pháp phòng, chống dịch mới phát huy hiệu quả. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Đồng thời, thành phố cần quản lý chặt người đi từ vùng dịch về, yêu cầu người dân nâng cao tính tự giác khai báo y tế, nâng cao tính tự quản ở khu dân cư thông qua việc tuyên truyền, động viên, tư vấn, nhắc nhở về ý thức phòng bệnh. Hà Nội cần tiếp tục bảo vệ thành quả phòng dịch ở các “vùng xanh."

Về cách tiếp cận của thành phố Hà Nội trong việc thiết lập trạng thái "bình thường mới," PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, đây là cách tiếp cận phù hợp, cần thiết. Hà Nội phải hòa nhịp với cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," nếu hòa nhịp sai sẽ dẫn tới tác động tiêu cực. Đặc biệt, Hà Nội phải lưu ý vấn đề phòng dịch, không phải quyết định nới lỏng là buông xuôi, thả lỏng hết. Nới lỏng để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng đồng thời vẫn phải kiểm soát được dịch.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn