Viêm não virus: Việt Nam có ca tử vong đầu tiên trong năm 2021

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh viêm não Nhật Bản - một dạng viêm não virus

Chớm hè, cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não do sốt xuất huyết: Hiếm gặp nhưng nguy hiểm tính mạng

Làm gì để phòng chống bệnh viêm não virus trong mùa Hè?

Những điều cần biết về vaccine phòng viêm não Nhật Bản?

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 145 trường hợp mắc viêm não virus, tương đương với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, trong tháng 4 cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu nhưng không có trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 8 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu (tăng 4 ca so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại TP.HCM.

Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền bệnh, trong đó có bệnh viêm não virus. Đặc biệt vào mùa Hè, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho các côn trùng truyền bệnh như muỗi phát triển mạnh.

Bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Bệnh viêm não virus thứ phát là biến chứng của các virus gây bệnh sởi, quai bị, cúm, virus đường ruột, virus Herpes simplex… Viêm não virus nguyên phát có tác nhân gây bệnh là những virus trong tự nhiên ký sinh ở côn trùng muỗi, ve, lây truyền sang gia súc rồi lây sang người.

Biểu hiện chính của bệnh viêm não do virus là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, dễ gặp biến chứng và tử vong.

Viêm não Nhật Bản là một dạng viêm não do virus phổ biến trong mùa Hè. Virus gây bệnh thuộc giống Flavivirus được truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là lợn, trâu bò và chim hoang dã. Ngoài viêm não do virus, sốt xuất huyếttay chân miệng cũng là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong mùa Hè.

Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, trong đó có viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch. Viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng bệnh với 3 mũi tiêm để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất. Trong đó, mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi. Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày và ban đêm, sử dụng xịt chống muỗi, phun thuốc diệt muỗi sao cho đảm bảo an toàn với trẻ nhỏ. Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc người mắc các bệnh lây nhiễm như quai bị, sởi.

- Nếu có các dấu hiệu: Sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn