"Chu kỳ lây nhiễm của virus chỉ còn 2 ngày, không phải 5 ngày như trước đây"

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị với các tỉnh thành về chống dịch COVID-19 - Ảnh: MOH.

Bổ sung 3 nội dung sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19

Bộ Y tế trình Thủ tướng Chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19

Bộ Y tế điều động 25 chuyên gia đầu ngành giúp TP.HCM chống dịch COVID-19

Bộ Y tế hướng dẫn cách ly y tế F1 tại nhà ở TP.HCM như thế nào?

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt đã được triển khai. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đang đối mặt với sự bùng phát dịch COVID-19 hết sức phức tạp. Trong những ngày tới, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc mới, có nhiều trường hợp sẽ có khả năng tử vong.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, nếu các đợt dịch trước chỉ kéo dài từ 1 tháng đến 1,5 tháng là kết thúc thì đợt dịch này với biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2 - 3 lần sẽ khó khăn trong kiểm soát dịch so với các đợt dịch trước.

"Đặc biệt, tốc độ bám dính của biến chủng Delta đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Hiện nay chu kỳ lây nhiễm chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Vậy nên, dù đã triển khai chống dịch quyết liệt, rất cố gắng, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số địa phương chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ, chưa quyết liệt, nhiều khi còn chần chừ, nấn ná. 

Người dân đi lại vẫn nhộn nhịp, cửa hàng siêu thị vẫn mở dù Chỉ thị 16 quy định chỉ mở các dịch vụ thiếu yếu như thực phẩm, thuốc men. Chợ vẫn họp đông thì không thể chấm dứt chuỗi lây nhiễm được. Các khu công nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế. Có địa phương chưa thực hiện kiểm tra, giám sát, chưa xét nghiệm, chưa chuẩn bị tốt cho tình hình dịch lan rộng kéo dài còn. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm.

Vì thế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần đánh giá, rà soát lại các kịch bản đã đưa ra, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm và điều trị

130 điểm cầu dự Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch toàn quốc của Bộ Y tế - Ảnh: MOH

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin có một số thay đổi cơ bản trong chiến lược phòng chống dịch hiện nay.

Cụ thể, về chiến lược cách ly, đã giảm thời gian cách ly, dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Đồng thời thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu đảm bảo các tiêu chí, thay đổi trong xét nghiệm.

Về xét nghiệm, trước đây phương pháp xét nghiệm chủ yếu là PCR, hiện nay đã thay đổi sử dụng test nhanh là chính, để tối ưu hóa vấn đề xét nghiệm, trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Nhất là đặc tính virus lần này phát tán mạnh, nếu một người nhiễm là cả gia đình và những người có tiếp xúc gần có thể bị nhiễm.

Đặc biệt để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là TP.HCM nơi có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt là khu vực có diễn biến phức tạp thì có thể sử dụng test nhanh gộp 3-5 mẫu trong một test. Điều này vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tốc độ, đảm bảo độ nhạy gần tương đương mẫu đơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý, với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh chỉ nên gộp tối đa là 5.

Về điều trị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay chúng ta thay đổi chiến lược trong điều trị, là tiệm cận các khu điều trị khác nhau, các tầng điều trị.

Thứ nhất, với bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh để tránh được lãnh phí nhân lực và trang thiết bị, cơ sở điều trị.

Thứ hai, đối với bệnh nhân có triệu chứng, sẽ được chuyến đến điều trị tại các cơ sở y tế.

Thứ ba, với bệnh nhân nặng, rất nặng được chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến có đơn vị điều trị hồi sức tích cực (ICU).

“Chúng tôi khuyến nghị các địa phương thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Về vaccine, đến nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã đàm phán thành công với Pfizer thêm 20 triệu liều nữa, như vậy tổng số vaccine Việt Nam có được là 170 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu, thì từ nay đến tháng 8 - 9/2021 thì còn thiếu, vì vậy "trước mắt, vaccine COVID-19 sẽ ưu tiên cho các vùng có nguy cơ, đặc biệt là vùng có dịch, những nơi đầu tàu về phát triển kinh tế xã hội, còn các khu vực khác cũng có ưu tiên, nhưng chỉ ở mức độ đảm bảo được" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn