Chung tay chấm dứt bệnh lao với tinh thần như chống COVID-19

Việt Nam là một trong 30 quốc gia chịu gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Ngày Thế giới Phòng, chống lao 2021: Chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao

Người bệnh lao phổi nên ăn gì để tăng cường miễn dịch?

Khoảng 20.000 người Việt mắc bệnh lao chưa được phát hiện

Ho mãi không khỏi là mắc bệnh gì?

Tối 23/3, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh lao, Chương trình chống lao quốc gia đã ra mắt trang thông tin điện tử và phát động ủng hộ Quỹ  hỗ trợ Người chiến thắng bệnh lao (PASTB). 

Theo Suckhoedoisong, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao đã gửi thông điệp tới chương trình. Phó Thủ tướng cho rằng so với 5 năm trước, mặc dù tại Việt Nam số người mắc lao mới đã giảm, nhất là số người mắc chưa phát hiện ra, tuy nhiên vẫn còn tới 50.000 người mắc lao mà chưa được phát hiện. Số ca tử vong vì bệnh lao tương đương với số người chết vì tai nạn giao thông, bằng kinh nghiệm chống COVID-19, chúng ta kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống lao, phấn đấu giảm số người tử vong do lao, “chúng ta không thể ngừng nỗ lực chấm dứt bệnh lao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại chương trình - Ảnh: Bộ Y tế

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020), khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải gánh chi phí lớn dành cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, vượt quá 20% thu nhập của cả hộ gia đình. Đáng chú ý, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, đây là một vấn đề làm ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Theo các chuyên gia, có sự tương đồng giữa chống lao và chống COVID-19. Cần phải phát hiện ngay, phát hiện thật sớm người mắc bệnh lao, đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất để tiến tới chấm dứt được căn bệnh này. 

Chính vì thế, năm 2021 Việt Nam lấy chủ đề Ngày phòng chống lao là: “Việt Nam Chiến thắng COVID-19 - Chấm dứt bệnh Lao” với mong muốn từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, WHO khuyến nghị chúng ta cần phải hành động nhanh để cứu sống mọi người, nỗ lực tạo ra sự thay đổi bằng việc thực hiện các ưu tiên. Trong đó, từ bài học thành công của mình trong ứng phó với COVID-19, Việt Nam có thể áp dụng cho công cuộc chấm dứt bệnh lao.

Cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh Chiến thắng bệnh lao (PASTB)

Nhân sự kiện Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021, Quỹ hỗ trợ Người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) cho ra mắt Cổng thông tin điện tử với tên miền http://quypastb.vn/ nhằm tạo thuận tiện cho người bệnh, các nhà hảo tâm có thể tìm hiểu rõ hơn về bệnh lao, truyền thông cập nhật thêm các thông tin, hoàn cảnh về bệnh lao cần được trợ giúp, các hoạt động của Quỹ. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy kết nối người bệnh tới các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, nhằm giúp đỡ những người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận được với các nguồn trợ giúp cũng như có thêm động lực vượt qua được mặc cảm về bệnh và kiên trì chữa bệnh.

Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:

- Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 22/03/2021 đến 24h00 ngày 21/5/2021.

- Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402

(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng.
Nguyên Hương H+ (Theo Suckhoedoisong)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn