Các địa phương là "điểm nóng" COVID-19 chuẩn bị công tác bầu cử thế nào?

Các địa phương đang gấp rút chuẩn bị công tác bầu cử vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch - Ảnh: PLO.

Các bệnh viện sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp ngày bầu cử

BN3028 trở thành ca tử vong thứ 40 tại Việt Nam liên quan đến COVID-19

TP. HCM: Danh sách các điểm đang tạm phong tỏa, cách ly do liên quan COVID-19

Bộ Y tế đề xuất giải pháp cấp bách cho Bắc Giang

"Cần phải bảo đảm 'Ngày hội toàn dân' diễn ra thành công, không được để ra sai sót" - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô vào sáng 21/5, theo Hanoimoi.

Theo Bộ Y tế, tính từ 29/4 đến 20/5, Hà Nội đã ghi nhận 96 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ 8 chùm ca bệnh gồm: Chùm ca từ Đà Nẵng (38 ca), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (17 ca), Bắc Ninh (16 ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (09 ca), Hưng Yên (06 ca), chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 29/4 (05 ca), Hà Nam (03 ca) và Vĩnh Phúc (02 ca).

Đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, đặc biệt là chuẩn bị cho công tác bầu cử, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa điểm bầu cử, đặc biệt trong trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Theo ông Hạnh, Tổ bầu cử tại điểm bầu cử ở khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa nên được xét nghiệm COVID-19 trước và sau khi bầu cử. Thành phố cũng đã xây dựng phương án đáp ứng tình huống dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội, đã tính tới phương án chuẩn bị cho 34.210 chỗ cách ly.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác bầu cử tại thị trấn Liên Quan, Thạch Thất - Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, tại TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố ghi nhận còn 2 chùm ca bệnh phát hiện ngày 18/5 và 20/5. Trong đó, ngày 18/5, thành phố ghi nhận hai ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 4514 và 4583, đồng nghiệp cùng công ty ở quận 3. Đến ngày 20/5, TP HCM ghi nhận thêm 3 ca bệnh là ba mẹ con ở hẻm 287, đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3 và một ca nghi nhiễm là người đàn ông 63 tuổi, ngụ phường 8, quận Gò Vấp. Ngay trong 2 ngày này, ngành y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng hơn 12.000 người, hầu hết là âm tính, còn 38 người chờ kết quả.

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng khẳng định, Thành phố sẽ tập trung triển khai quyết liệt các yêu cầu, nhiệm vụ nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống COVID-19 trong quá trình chuẩn bị và tổ chức ngày bầu cửVới số lượng người đi bầu cử lớn, hơn 5,4 triệu cử tri, Ủy ban Bầu cử TPHCM đã chủ động xây dựng phần mềm hỗ trợ bầu cử, diễn tập vận hành thử nghiệm 3 đợt; rút kinh nghiệm, bổ xung trang thiết bị phục vụ vận hành, nhập số liệu… bảo đảm cho việc sử dụng chính thức vào ngày bầu cử.

Theo Báo CAND, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử kết nối với 63 điểm cầu diễn ra vào ngày 18/5, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng trình bày, công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn không có nút thắt lớn ngoài việc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tap. Đà Nẵng có hàng chục điểm cách ly với gần 6.500 người là F1, F2 đang cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Đây chính là việc cần phải tính trong cuộc bầu cử ít ngày tới. Đến nay, hơn 500 điểm bỏ phiếu tại Đà Nẵng đều được diễn tập bỏ phiếu. Lực lượng đảm bảo công tác bầu cử đến nay đều đã được xét nghiệm COVID-19. Đà Nẵng cũng đang triển khai rà soát để mỗi hộ gia đình trên toàn thành phố sẽ có ít nhất 1 người đại diện được xét nghiệm để rà soát nguồn bệnh trong cộng đồng.

Nhiều tổ bầu cử trên địa bàn các quận huyện ở Đà Nẵng đang gấp rút chuẩn bị cho công tác bầu cử vừa đảm bảo phòng chống dịch - Ảnh: PLO

Tại "điểm nóng" Bắc Giangổ dịch phức tạp nhất cả nước hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, tính đến 0h 18/5, Bắc Giang đã phải dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn, phong toả toàn bộ huyện Việt Yên, huyện lớn nhất của tỉnh, hiện tập trung hơn 100.000 công nhân. Ngoài ra, 3 huyện khác của Bắc Giang cũng phải thực hiện giãn cách xã hội. 

“Tỉnh đang tính toán việc tổ chức bầu cử tại các bệnh viện dã chiến mới thành lập trên địa bàn. Sơ tính, có khoảng 500-600 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến khác nhau. Ngoài ra, thách thức khác là việc tổ chức bỏ phiếu ở những điểm cách ly tập trung ở các khu công nghiệp, nơi mỗi điểm có tới hàng nghìn người. Bắc Giang đang tính đến việc tổ chức thêm các điểm bỏ phiếu tại những khu vực này. Bên cạnh đó, các lực lượng cũng tính tới phương án lập hòm phiếu phụ, bảo hộ cho thành viên các tổ bầu cử đi mang hòm phiếu vào những điểm cách ly tập trung” – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo tình hình dịch bệnh tại "điểm nóng" Bắc NinhBí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, tỉnh hiện đang có nhiều ổ dịch khác nhau khiến 2 trong số 8 thành phố/huyện trên địa bàn phải thực hiện cách ly xã hội, 5 địa phương khác phải giãn cách. Số lượng F0 tăng nhanh hàng ngày do hàng chục nghìn công nhân là người của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang qua lại làm việc, dòng di chuyển rất lớn, khó kiểm soát

Danh sách cử tri thay đổi, biến động lớn do tình hình dịch bệnh, theo đó, cũng là thách thức lớn với công tác chuẩn bị bầu cử tại Bắc Ninh. Thực tế, có nhiều cử tri đã bị cách ly ở xã, thậm chí ở huyện khác so với nơi cư trú, nơi lập danh sách cử tri mà vẫn phải có phương án đảm bảo quyền bầu cử của những người này. Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia có hướng dẫn cụ thể, cho phép những địa phương bị phong toả hoặc có điểm cách ly được bỏ phiếu sớm 1-2 ngày để các lực lượng tập trung lo trước việc tại các khu vực phức tạp, giúp giãn các nội dung phải tiến hành trong ngày 23/5 tới…

Hướng dẫn từ Bộ Y tế

Trả lời phỏng vấn của báo VOV về phương án tổ chức bầu cử tại các địa phương có dịch, GS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với những địa phương có dịch và có bệnh nhân COVID-19 đang điều trị thì phải có lực lượng mang hòm phiếu đến để bệnh nhân mắc COVID-19 và người thuộc diện cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cách ly tại khách sạn, cách ly tại cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu.

Với những địa điểm có đông người cách ly tập trung, tổ bầu cử hướng dẫn tổ chức buổi bầu cử, các trường hợp cử tri không đến bỏ phiếu được tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử theo quy định thì tổ bầu cử đưa hòm phiếu phụ đến với các cử tri, đảm bảo quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.

Hòm phiếu trước khi mang đến và mang đi được niêm phong và khử khuẩn. Người mang hòm phiếu đến khu cách ly tập trung hoặc đến gia đình có người cách ly tại nhà, được trang bị đầy đủ bảo hộ. Người bỏ phiếu phải đeo khẩu trang, xếp hàng thực hiện giãn cách khi bỏ phiếu, cách nhau tối thiểu 2m, và được phân đi theo hướng 1 chiều vào bỏ phiếu.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn