Lao động nữ sẽ được tạo điều kiện tối đa chăm sóc sức khỏe

Lao động nữ sẽ được tạo nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe hơn kể từ năm 2021

Cụ thể, Nghị định 145/2020/NĐ-CP vừa ban hành này quy định một cách rõ ràng, chi tiết và kèm với đó là hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, đặc biệt là với lao động nữ. Nghị định này thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới đời sống và sức khỏe của lao động nữ, những người vốn luôn rất thiệt thòi.

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP này, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Nghị định khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt là ở Nghị định này cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian “đèn đỏ” của các lao động nữ. Cụ thể là lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút vào thời giờ làm việc, và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.

Chăm sóc sức khỏe lao động nữ được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng cả vì đặc thù giới

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Đối với những lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu không nghỉ 60 phút/ngày thì được hưởng thêm lương. Nghị định cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi như lao động nữ có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Ngoài ra, cũng giống như trường hợp “đến tháng”, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

Phương Lâm H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn