Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo để thị trường TPCN minh bạch hơn

Buổi tọa đàm trực tuyến về việc chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn

Chiều 16/12, theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục An toàn thực phẩm -Bộ Y tế phối hợp với Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp và Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển". Buổi tọa đàm có sự góp mặt của một số đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu trong nước về lĩnh vực sản xuấtkinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN).

Tại buổi tọa đàm này, các bên tham dự đã chỉ ra rằng việc quảng cáo TPCN vướng rất nhiều lỗi, vi phạm pháp luật. Đó là những quảng cáo chưa được cơ quan chức năng xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng sự thật cả về chất lượng lẫn tác dụng của sản phẩm và có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá sản phẩm. Nhiều đơn vị lợi dụng chiêu trò để thổi phồng công hiệu, quảng cáo TPCN có công dụng như thần dược, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng, mạo danh các bác sỹ, dược sỹ, chuyên gia có tên tuổi để quảng cáo TPCN…

Các bên tham gia cho rằng việc quảng cáo TPCN trên những đơn vị truyền thông uy tín như báo chí, đài truyền hình rất ít "sạn" vì có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Thế nhưng lại bạt ngàn những vi phạm khi các đơn vị quảng cáo TPCN thông qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook, website hay cả các sàn thương mại điện tử.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế giải đáp thắc mắc liên quan đến việc xử lý các sai phạm trong quảng cáo TPCN

Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1/1 đến ngày 25/9/2020, Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 cơ sở, tổng số tiền phạt: 2.789.618.715 đồng, trong đó xử phạt 36 cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt về quảng cáo hơn 1,6 tỷ đồng. Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Facebook thanh kiểm tra và xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật, xử lý lại vấn đề trách nhiệm về chất lượng sản phẩm với các sàn thương mại điện tử... 

Tại buổi toạ đàm, các bên tham gia đã đóng góp nhiều ý tưởng để chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo TPCN tạo sự minh bạch và giúp thị trường phát triển. Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN, những năm qua, với sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, ngành TPCN Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và không ít doanh nghiệp đã biết nắm bắt cơ hội này, không ngừng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Thế nhưng các quảng cáo này lại bị "vướng" phải cơ quan quản lý.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch Hiệp hội TPCN đóng góp những quan điểm và ý kiến rất thực tế trong buổi tọa đàm  

"Người tiêu dùng bây giờ đã thông thái hơn rất nhiều, điều đó khiến các đơn vị quảng cáo sẽ phải chau chuốt từ ngữ, dùng lời hay ý đẹp, có cảm xúc để chạm vào cảm xúc của khách hàng, nhờ đó mới có thể bán được hàng. Nhưng lại "vướng" với cơ quan quản lý vì có một số từ ngữ vi phạm. Mà trong khi, cơ quan quản lý chưa có đưa ra được các tiêu chuẩn trong việc được phép hay không được phép sử dụng những từ nào trong quảng cáo TPCN để tránh hiểu nhầm thành thuốc", DS. Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ. "Bên cạnh đó, việc quy định không cho bác sỹ, dược sỹ, chuyên gia y tế tư vấn về TPCN cũng gây khó cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi rõ ràng người tiêu dùng chỉ tin những người có chuyên môn để tìm hiểu và mua TPCN. Chính vì vậy, tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xem xét lại quy định này. Ngoài ra, cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị sản xuất TPCN phải đăng ký chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp TPCN cần làm ăn chân chính, minh bạch thông tin về sản phẩm và giá tới người tiêu dùng. Quan trọng nhất là phải có chế tài xử phạt thật nặng những đơn vị sai phạm tránh tái phát”. 

Các đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu khác trong lĩnh vực thực phẩm chức năng như Tâm Bình, Amway, Traphaco cũng nêu ra nhiều ý kiến đánh giá cũng như gợi ý về vấn đề quảng cáo, quản lý quảng cáo TPCN hiện tại. Những gợi ý này được lãnh đạo cục và các bên tham gia tọa đàm đánh giá cao.

Lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cùng các đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực TPCN chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc buổi tọa đàm

Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế Trần Việt Nga cho biết trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, với Bộ, các Bộ và ngành liên quan để có những giải pháp đồng bộ, giúp việc thanh, kiểm tra cũng như xử lý hữu hiệu hơn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp chân chính góp phần giúp thị trường TPCN phát triển hơn. 

Phương Lâm H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý