Sau 30/9, những dịch vụ nào ở TP.HCM "chưa mở cửa"?

Các chốt chặn, rào chắn trên các tuyến đường ở TP.HCM lần lượt được tháo dỡ - Ảnh: Báo Thanh Niên

Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng y dược cổ truyền để phòng COVID-19

Ứng dụng thống nhất về phòng, chống COVID-19 đã sẵn sàng

Bộ Y tế đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá

Bộ Y tế thông tin chính thức về việc "loạn" giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19

Sáng nay (30/9), tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP.HCM "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố".

Theo đó, sau ngày 30/9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại buổi họp báo - Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM

TP.HCM yêu cầu, mọi hoạt động được phép mở lại cần dựa trên nền tảng sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, phục vụ công tác quản lý.

Tất cả các cơ quan, đơn vị Nhà nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Đến ngày 15/10, đơn vị quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch; sử dụng ứng dụng để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Khi đáp ứng những yêu cầu trên cùng những quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh, TP.HCM cho phép 14 nhóm hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được mở lại sau ngày 30/9 gồm:

1. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp và trên địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức.

 2. Doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

 3. Công trình giao thông, xây dựng.

 4. Hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ gồm: Cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối, chợ truyền thống; Xăng, dầu, gas, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, vật liệu; Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

 5. Dịch vụ công ích; Dịch vụ bảo vệ; Trạm thu phí sử dụng đường bộ; Dịch vụ tư vấn xây dựng; Dịch vụ vệ sinh môi trường, dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; Dịch vụ giới thiệu việc làm; Dịch vụ cưới - hỏi; Dịch vụ rửa xe; dịch vụ tang lễ; Dịch vụ tiện ích công như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải.

 6. Hoạt động của văn phòng, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài nước, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Thành phố.

 7. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics và bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, tư vấn thẩm định giá, kiểm toán, dịch vụ tài chính, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý-thanh lý tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động đất đai), chứng khoán, dịch vụ cầm đồ.

8. Bưu chính, viễn thông; In, xuất bản, báo chí; Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; Doanh nghiệp lịch; Cửa hàng sách, thiết bị văn phòng; Đường sách; Thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; Đồ dùng, dụng cụ học tập; Công nghệ thông tin; Thiết bị tin học; Cửa hàng điện máy; Cửa hàng mắt kính; cửa hàng thời trang, may mặc; Cửa hàng vàng bạc đá quý và đồ trang sức.

 9. Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

 10. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

 11. Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.

 12. Các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, hoạt động trong nhà tập trung tối đa 10 người; Trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người. Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 100 người.

 13. Cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, các dịch vụ khác phục vụ cho khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.

 14. Các hoạt động khác phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tính đến ngày 30/9, TP.HCM đã trải qua hơn 120 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau. Ông Lê Hòa Bình cho biết, TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu chính. Một là tiếp tục tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn địa bàn; Kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; Ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; Củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; Bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân. Thứ ba là đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái bình thường mới.

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng:
- Sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, meeting, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động).
- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ trường hợp được phép hoạt động).
Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn