Ngăn ngừa nấm bàn chân trong mùa Hè

Nấm kẽ chân không chỉ gây ngứa ngáy mà còn dễ gây nhiễm trùng bàn chân

Gia đình có người bị nấm chân, làm sao để tránh bị lây bệnh?

Mưa bão ngập lụt bị nấm chân, chữa thế nào?

Các biện pháp tự nhiên điều trị bệnh mùa mưa

Lời khuyên của chuyên gia giúp ngăn ngừa bệnh mùa mưa

Nguyên nhân dẫn đến nấm bàn chân

Bệnh nấm bàn chân xảy ra chủ yếu do sự phát triển của các chủng nấm như Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Epidermophyton floccosum và Candida trên vùng da kẽ chân không được vệ sinh sạch sẽ. Nấm sống và sinh sôi nhờ chất keratin lấy từ da, từ đó phá hủy cấu trúc tế bào và các vi khuẩn có lợi trên bề mặt da.

Khi đó, vùng da nhiễm nấm bắt đầu xuất hiện triệu chứng bong tróc, đỏ, ngứa, rát, đôi khi có mụn nước và vết loét trên da. Vị trí khởi phát thường là các khe kẽ ngón chân, nhất là giữa ngón chân thứ 3-4, sau đó lan sang các ngón khác hoặc lòng bàn chân.

Các triệu chứng nấm kẽ chân (nước ăn chân) thường gặp

Cách gọi dân gian của bệnh nấm bàn chân hay viêm kẽ ngón chân là nước ăn chân. Nguyên nhân là bệnh thường gặp ở người phải ngâm chân trong nước thời gian dài mà không sử dụng đồ bảo hộ.

Ngoài ra, người hay ra mồ hôi chân, phải đi tất hoặc giày lâu ngày cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm chân rất cao. Trong giày, ủng bí bách, mồ hôi tiết ra ở chân không thoát được, từ đó tạo môi trường ẩm cho nấm sinh sôi. Nấm kẽ chân có thể lây lan khi dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, giày, tất với người đang bị nấm da chân.

Phòng ngừa nấm bàn chân trong mùa Hè

Tuy nam giới là đối tượng có nguy cơ bị nấm bàn chân cao hơn nữ giới, ai cũng cần đề phòng nhiễm nấm do tiếp xúc với nguồn nước nhiễm bị ô nhiễm. Một số biện pháp sau giúp bạn giảm thiểu nguy cơ viêm kẽ bàn chân trong mùa Hè:

Hạn chế đi chân trần ở nơi công cộng

Hạn chế đi chân trần khi tiếp xúc với nước ở nơi công cộng

Khi đến những địa điểm công cộng như hồ bơi, phòng tập thể hình, khách sạn, bạn không nên đi chân trần. Những chủng nấm gây viêm kẽ chân có thể tồn tại trên sàn nhà và lây lan tới bàn chân bạn lúc nào không hay. Bạn nên chuẩn bị riêng 1 đôi dép khi đi tới những nơi công cộng trên.

Giữ chân khô ráo

Chủng nấm gây viêm kẽ chân phát triển tốt trong điều kiện ẩm ướt. Do đó, bạn cần hạn chế đi giày ẩm ướt do nước mưa/mồ hôi chân. Giày làm từ chất liệu tổng hợp như nhựa, cao su có thể làm bàn chân đổ nhiều mồ hôi hơn.

Trong những ngày nắng nóng, hãy chọn những kiểu dáng giày dép thông thoáng nhất có thể. Nên để chân trần thoát khí khi ở nhà hay khi đi ngủ.

Vệ sinh bàn chân đúng cách

Hàng ngày, khi tắm rửa, bạn đừng quên vệ sinh bàn chân với xà phòng. Sau đó, bạn cần lau khô bàn chân hoàn toàn, đặc biệt là các kẽ chân. Bạn cũng cần hong khô, lau sạch bàn chân bằng khăn mềm trước khi đi tất, giày.

Khi bị nấm bàn chân, bạn không nên ngâm và rửa chân bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mà chỉ nên dùng bông, gạc sạch để lau rồi bôi thuốc. Tuyệt đối không được dùng các vật dụng cứng để tẩy da chết cho bàn chân đang tổn thương do nhiễm nấm.

Thay giày, tất hàng ngày

Giặt sạch, phơi khô giày, tất giúp ngăn ngừa nấm kẽ chân trong mùa Hè

Nếu bạn dễ bị đổ mồ hôi chân trong mùa Hè, hãy sử dụng tất làm bằng chất liệu thoáng khí và thay tất bất cứ khi nào bàn chân có cảm giác ẩm ướt. Tất sau khi thay ra cần được giặt sớm, phơi khô trước khi sử dụng lại.

Ngoài ra, bạn cũng cần đổi giày hàng ngày để đôi giày có thời gian khô sau mỗi lần sử dụng. Khi có nguy cơ bị nấm chân, bạn cần tránh dùng chung khăn tắm, tất, giày với người khác. Các vật dụng này cũng cần giặt riêng với nước nóng và bột giặt để đề phòng lây nhiễm sang quần áo, trang phục khác.

Bệnh viêm kẽ chân do nấm gây ra, nên việc điều trị cần phải dùng thuốc kháng nấm. Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể dùng thuốc bôi tại chỗ được bác sỹ kê đơn để điều trị tại nhà.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp