Hạt dẻ: Thức quà của mùa lạnh

Hạt dẻ thơm bùi, nóng hổi là món ăn hấp dẫn trong thời tiết se lạnh

Gợi ý thực đơn tuần mới: Thịt lợn hầm hạt dẻ ấm áp ngày lạnh

Bạn đã biết cách ăn hạt dẻ cười để giảm cân?

7 loại thực phẩm giúp da ẩm mịn trong thời tiết giao mùa

Những giống rau củ nên trồng trong mùa Thu

Giá trị dinh dưỡng của hạt dẻ

Cây dẻ thường mọc tại xứ lạnh, cho loại hạt có lớp vỏ rất cứng và chứa nhiều tinh bột. Hạt dẻ có thể được sử dụng như thực phẩm, dùng để rang, luộc hoặc hầm cùng canh, nghiền thành bột hạt dẻ.

Ở Việt Nam, hạt dẻ được ưa chuộng nhất đến từ thị trấn Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), thường cho thu hoạch vào tháng 9-10 hàng năm. Khi nấu chín, nhân hạt dẻ có màu vàng đẹp mắt, vị thơm bùi ít nơi sánh được. Ngoài ra, ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng có hạt dẻ rừng (còn gọi là dẻ thóc), hạt nhỏ, vỏ cứng, phần nhân có màu trắng ngà.

Hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) có vỏ nâu sẫm, lớp lông tơ mỏng - Ảnh: VnExpress

Theo WebMD, 1 khẩu phần hạt dẻ (khoảng 32gr nhân hạt dẻ sống) cung cấp 77calories cùng 17gr tinh bột và 3gr chất xơ. Ngoài ra, trong hạt dẻ còn chứa nhiều vi chất như vitamin C, E, A, vitamin nhóm B, magne, kẽm, đồng, mangan… Đây đều là những vi chất cần thiết cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, đặc biệt trong thời tiết lạnh.

Hạt dẻ tốt cho sức khỏe như thế nào?

Giàu chất chống oxy hóa

So với các loại hạt khô khác, hạt dẻ nổi bật ở hàm lượng vitamin C khá cao. Tuy quá trình rang, luộc hạt dẻ ở nhiệt độ cao sẽ làm hao phí phần nào vitamin C, đây vẫn là loại hạt có thể cung cấp nhiều chất chống oxy hóa như acid gallic, acid ellagic, lutein và zeaxanthin

Nguồn carbohydrate tốt cho sức khỏe

Thành phần chính trong hạt dẻ là tinh bột và chất xơ, tức các carbohydrate phức tạp. Cơ thể tiêu hóa các carbohydrate phức tạp trong hạt dẻ chậm hơn, từ đó giúp hạn chế ảnh hưởng đến đường huyết và cân nặng. Vì thế, hạt dẻ rang hoặc luộc là món ăn nhẹ giàu tinh bột hấp thụ chậm, giúp bạn no lâu hơn trong những ngày se lạnh.

Ngoài ra, hạt dẻ không chứa gluten, nên đây là thực phẩm lý tưởng cho người mắc bệnh Celiac (chứng không dung nạp gluten).

Món canh hạt dẻ hầm sườn non và nấm hương

Bên cạnh hàm lượng các chất chống oxy hóa dồi dào, hạt dẻ còn chứa một số vi chất như magne, kali, đồng… cần thiết cho sức khỏe của mạch máu, hệ miễn dịch và xương khớp nói chung. Đông y cũng ghi nhận hạt dẻ là vị thuốc tính ôn, vị ngọt, bổ khí, tỳ phế, thận và sử dụng hạt dẻ trong nhiều bài thuốc dân gian.

Cách chế biến hạt dẻ ngon và tốt cho sức khỏe

Hạt dẻ tươi chứa acid tannic, một hợp chất tự nhiên mang vị đắng và có khả năng gây kích ứng đường tiêu hóa, buồn nôn, thậm chí là ảnh hưởng tới chức năng gan thận. Vì lý do đó, bạn nên luộc, hấp hoặc rang chín hạt dẻ trước khi sử dụng. Quá trình này không chỉ giúp giảm hàm lượng acid tannic, mà còn làm tăng vị ngọt tự nhiên của hạt dẻ.

Khi mua hạt dẻ, bạn cũng cần chú ý tránh các hạt có dấu hiệu mốc, hỏng hoặc sâu bệnh. Khi bóc hạt dẻ nếu thấy màu sắc, mùi vị bên trong bất thường thì cần phải bỏ ngay.

Khứa vỏ hạt dẻ trước khi rang hoặc luộc giúp vỏ tự nứt và dễ bóc hơn

Trước khi rang hay luộc hạt dẻ, hãy rửa sạch hạt dẻ hoặc bóc vỏ. Một mẹo nhỏ khi chế biến hạt dẻ là dùng dao cắt hình chữ thập nhỏ trên vỏ, hạt sẽ tự nứt và rất dễ bóc khi thưởng thức. Trước khi rang hoặc nướng hạt dẻ, bạn có thể luộc hạt dẻ trong vòng 10 phút để hạt chín đều và róc vỏ.

Ngoài ra, bạn có thể bóc vỏ hạt dẻ tươi và dùng phần nhân để nấu soup, kho thịt, hầm xương. Hạt dẻ sẽ tạo thêm vị thơm bùi cho món ăn ấm bụng cho ngày se lạnh.

Hạt dẻ tươi chưa sử dụng có thể cất trong ngăn đá trong vòng 10 ngày. Các hạt đã qua sơ chế như rang, luộc thì nên bảo quản ở ngăn mát và dùng hết trong vòng 3 ngày.

Quỳnh Trang H+ (Theo WebMD)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng