Mẹo ngăn ngừa bệnh chàm bùng phát vào mùa Đông

Bệnh chàm thường bùng phát nhiều hơn trong những tháng mùa Đông

Làm sao để da đầu hết ngứa ngáy vào mùa lạnh?

Thoát khỏi mụn nang đơn giản bằng 5 nguyên liệu tự nhiên

Làm sao khắc phục tình trạng suy giảm collagen duy trì làn da khỏe đẹp?

Trẻ bị tay chân miệng nên xử lý như thế nào?

Bệnh chàm (eczema hay viêm da dị ứng) là tình trạng da bị viêm gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa ngáy, khô và đỏ da. Để giảm thiểu sự bùng phát bệnh chàm và cải thiện triệu chứng bệnh trong mùa Đông, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột

Sự chênh lệch nhiệt độ có thể là một yếu tố gây “sốc” đối với làn da của bạn. Nó sẽ trở nên khô, nứt nẻ và kích hoạt bệnh tái phát. Do đó, bạn nên:

Mặc nhiều lớp khi đi ra ngoài giúp bạn phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ dễ dàng hơn

Giữ ấm cho cơ thể: Vào mùa lạnh, người bệnh chàm nên duy trì thân nhiệt ổn định, mặc kín đáo khi phải di chuyển ngoài trời. 

Bảo vệ vùng da bị chàm: Nếu bạn bị chàm ở tay thì nên đeo găng tay, tương tự với khăn quàng cổ và mũ...

Tránh nước ấm khi: Từ ngoài trời lạnh vào nhà, có thể bạn muốn sử dụng nước ấm để vệ sinh cá nhân. Nhưng sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng này có thể gây kích thích da. Do đó, bạn nên để thân nhiệt ổn định trở lại sau đó mới dùng nước ấm. 

Dưỡng ẩm thường xuyên

Dưỡng ẩm là bước vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc da đối với bệnh chàm, điều này đặc biệt đúng vào những ngày mùa Đông. Chuyên gia khuyên người bị chàm nên lựa chọn loại kem dưỡng ẩm gốc dầu, chẳng hạn như bơ hạt mỡ. Bạn nên thoa dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày để bảo vệ da khỏi không khí lạnh, khô của mùa Đông. Đặc biệt, mùa Đông người bệnh chàm vẫn nên dùng kem chống nắng.

Bổ sung vitamin D

Cơ thể chúng ta có thể tự tổng hợp được vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc làm giảm tổn thương và phục hồi làn da ở những người bị chàm. Tuy nhiên, vào mùa Đông, da sẽ ít tiếp xúc với ánh nắng hơn, dẫn đến sự tổng hợp vitamin D qua da rất hạn chế. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh chàm và hạn chế các đợt bùng phát. Tuy nhiên, cần bổ sung theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Bổ sung độ ẩm cho không khí ngăn ngừa da nứt nẻ, bị kích ứng

Vào mùa Đông, kể cả trong nhà hay ngoài trời, độ ẩm không khí đều giảm đi rất nhiều. Điều này có thể gây kích ứng da, khiến da nứt nẻ và làm bệnh chàm bùng phát. Do đó, cùng với việc dưỡng ẩm thường xuyên, mọi người có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để bổ sung độ ẩm không khí.

Chế độ ăn uống thân thiện với bệnh chàm

Người bị bệnh chàm nên tránh ăn các loại thực phẩm kích hoạt các phản ứng viêm, làm triệu chứng bệnh chàm thêm trầm trọng, như: Trái cây có vị chua, thực phẩm chứa chất béo bão hòa, thực phẩm giàu tinh bột, thực phẩm nhiều đường. Bên cạnh đó, người bệnh eczema nên ăn thực phẩm giàu flavonoid, thực phẩm giàu acid béo omega-3 (hạt chia, rau lá xanh đậm, các loại cá béo, trứng cá...), thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch

Người bị bệnh chàm nên trao đổi với bác sỹ để có chế độ ăn kiêng hợp lý, tránh thiếu chất.

Biện pháp tự nhiên

Hiệp hội Eczema Quốc gia (Mỹ) thống kê một số biện pháp tự nhiên có thể giúp người bệnh chàm cảm thấy dễ chịu hơn, bao gồm: Thoa dầu hoa hướng dương, thoa dầu dừa, châm cứu hoặc bấm huyệt, massage...

Bên cạnh đó, người bị bệnh chàm nên chọn trang phục có chất liệu mềm mại, thoáng khí (tránh gây đổ mồ hôi), không gãi ngay cả khi cảm thấy ngứa…

Phạm Quỳnh H+ (Medicalnewstoday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp