“Thủ phạm” gây mùi cơ thể đến từ chế độ ăn uống

Một số thực phẩm có thể khiến mùi cơ thể thêm khó chịu

Làm thế nào để thơm tho suốt ngày Hè?

Kiểm soát mùi cơ thể trong ngày nóng

5 nguyên liệu giúp “đánh bay” mùi cơ thể tại nhà

5 loại mùi cơ thể cảnh báo bệnh tật

Một số thực phẩm thường gặp trong thực đơn hàng ngày có thể khiến cơ thể nặng mùi hơn thông thường. Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, bạn không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn những thực phẩm này. Chuyên gia dinh dưỡng Jenny Beth Kroplin chia sẻ với trang Well And Good về bí quyết ăn uống giúp bạn bớt tự ti về mùi cơ thể.

Rau củ họ Hành tỏi

Các nhóm thực vật thuộc họ Allium như hành, tỏi, hẹ, tỏi tây… thường chứa nhiều các hợp chất sulfur. Khi bạn sử dụng các gia vị này ở số lượng lớn, các hợp chất sulfur sẽ đi vào máu, nước tiểu và cả các lỗ chân lông. Kết hợp với các vi khuẩn tự nhiên trên cơ thể, hơi thở và mồ hôi của bạn sẽ có mùi kém hấp dẫn.

Rau củ họ Hành tỏi chứa nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng hỗ trợ kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh mẽ. Do đó, sau khi ăn tỏi, hành, bạn nên đánh răng kỹ càng, nhai kẹo cao su không đường hoặc sử dụng các sản phẩm khử mùi cơ thể.

Măng tây

Măng tây khiến nước tiểu nặng mùi

Khi bạn ăn măng tây, các enzyme có trong cơ thể sẽ biến đổi methanethiol và S-methyl thioester có trong măng tây thành nhiều hợp chất có chứa sulfur. Các hợp chất này rất dễ bay hơi và được thải ra qua nước tiểu. Do đó, sau khi ăn măng tây, nhiều người nhận thấy nước tiểu nặng mùi hơn bình thường.

Rau họ Cải

Khi đột ngột bổ sung lượng lớn rau củ họ Cải (rau cải, bắp cải, súp lơ, bông cải, cải xoăn kale…) vào chế độ ăn uống, bạn có thể sẽ gặp phải thay đổi lạ về mùi cơ thể. Nguyên nhân cũng đến từ các hợp chất sulfur có trong rau họ Cải dễ bị phân hủy thành hydrogen sulfide (có mùi như trứng thối). Ngoài ra, nhóm rau này còn chứa nhiều chất xơ, có thể bị các vi khuẩn trong ruột kết phân giải và tạo ra khí gas.

Tuy nhiên, đây không phải là lý do để kiêng ăn nhóm rau giàu dinh dưỡng này. Để không phải lo lắng về mùi cơ thể khi ăn rau họ Cải, bạn nên từ từ tăng lượng rau xanh trong chế độ ăn hàng ngày. Việc nấu chín rau củ, hạn chế ăn sống cũng giúp giảm thiểu tình trạng đầy hơi và mùi cơ thể khi ăn rau.

Gia vị cay nóng

Gia vị cay nóng làm cơ thể đổ nhiều mồ hôi và có mùi khó chịu hơn

Các gia vị cay nóng như bột thì là, ớt bột… có thể khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn, từ đó khiến bạn dễ gặp các vấn đề về mùi cơ thể. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên sử dụng các sản phẩm khử mùi cơ thể (không chứa thành phần nhôm) sau khi ăn đồ cay.

Thịt đỏ

Một nghiên cứu quy mô nhỏ chỉ ra rằng, người ăn thịt đỏ có mùi cơ thể kém hấp dẫn hơn người ăn chay. Tuy các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, một số giả thuyết cho rằng, ăn nhiều thịt đỏ khiến mồ hôi chứa nhiều acid béo hơn. Các vi khuẩn trên bề mặt da có thể phân hủy các chất béo này và tạo ra hợp chất gây mùi chứa amoniac.

Đồ uống có cồn

Khi bạn uống rượu bia, cơ thể coi cồn là một chất độc và phân giải chúng thành acid acetic. Quá trình oxy hóa trong cơ thể tiếp tục chuyển hóa acid acetic thành nước, CO2 và nhiều hợp chất khác để thải ra ngoài qua mồ hôi, nước tiểu và hơi thở.

Ngoài ra, đồ uống có cồn còn gây ra tình trạng khô miệng và khiến hơi thở nặng mùi. Do đó, bạn cần sử dụng rượu bia điều độ và vệ sinh thân thể sau khi mỗi bữa nhậu.

Quỳnh Trang H+ (Theo Well and Good)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp