Căn bệnh do "vi khuẩn ăn thịt người" gây ra nguy hiểm như thế nào?

Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước dễ bị mắc bệnh whitmore

Hy hữu: Người phụ nữ bị "ăn" cánh mũi do mắc bệnh truyền nhiễm

Bệnh Whitmore gây tử vong sau 48h dễ bị nhầm với quai bị

Bệnh nhi nhiễm trùng máu nặng vì nhầm bệnh Whitmore là quai bị

Làm sao để giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết?

Whitmore hay còn gọi là bệnh melioidosis là một bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Đây là căn bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là Đông Nam Á và miền Bắc Australia. 

Bệnh whitmore lây lan như nào? 

Vi khuẩn gây bệnh whitmore có trong bùn đất và nguồn nước. Mọi người có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với các nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da. Bạn cũng có thể mắc bệnh khi hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn, ăn uống thức ăn nhiễm khuẩn. Ngoài con người thì nhiều loài động vật cũng có thể mắc bệnh là: Cừu, dê, lợn, ngựa, chó, mèo...

Đi chân đất khi làm vườn dễ khiến bạn bị nhiễm vi khuẩn whitmore

Người mắc bệnh whitmore có triệu chứng như thế nào?

Bệnh whitmore có thể gây ra một loạt các triệu chứng tương tự như với cúm thông thường như: Sốt, đau đầu, ho, khó thở, đau cơ hoặc khớp... Những người mắc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi... có nguy cơ cao mắc bệnh. Các dạng whitmore phổ biến: 

- Nhiễm trùng cục bộ ở một bộ phận của cơ thể: Người bệnh sẽ có các triệu chứng như sưng, đau ở một khu vực, loét hoặc áp-xe trên hoặc ngay dưới da.

- Nhiễm trùng phổi: Người bệnh sẽ có các triệu chứng như ho, đau ngực, sốt, chán ăn, đau đầu. Nhiễm trùng phổi (viêm phổi) là dạng phổ biến nhất của whitmore.

- Nhiễm trùng máu: Người bệnh thường bị sốt cao, đau đầu, đau khớp, đau bụng.

- Nhiễm trùng lan tỏa: Người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt, giảm cân, đau đầu, co giật, đau cơ hoặc khớp...

Điều trị bệnh whitmore như thế nào?

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vaccine phòng bệnh whitmore nhưng rất may là hiện nay có một số loại kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn B. pseudomallei. Quá trình điều trị thường bắt đầu bằng việc tiêm kháng sinh tĩnh mạch trong vòng 10 - 14 ngày. Sau đó người bệnh sẽ tiếp tục được chỉ định dùng kháng sinh đường uống trong ít nhất 3 tháng để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao.

 Người bệnh whitmore cần duy trì sử dụng kháng sinh trong ít nhất 3 tháng

Phòng bệnh whitmore như thế nào?

Để phòng bệnh whitmore, những người làm công việc phải tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nên đi ủng để tránh vi khẩn xâm nhập vào cơ thể qua bàn chân. Những người có vết thương ngoài da, những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn tính nên tránh tiếp xúc với đất và nước tù động. Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh whitmore nên đeo khẩu trang, sử dụng găng tay và áo choàng...

Thanh Tú H+ (Theo CDC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm