Tại sao thai phụ không nhận ra những dấu hiệu mang thai?

Nhiều thai phụ không nhận ra hoặc có xu hướng chối bỏ các dấu hiệu mang thai của cơ thể

Sản phụ 19 tuổi đẻ rơi con trên taxi

Cách xử lý khẩn cấp khi..."đẻ rơi"

Bà mẹ không biết mình có thai, 2 lần đẻ rơi

11 dấu hiệu sau chứng tỏ bạn đã mang thai chuẩn không cần chỉnh

Đẻ rơi con ở bệnh viện mới biết mang thai

Sáng 20/12, nhân viên Bệnh viện Quận Thủ Đức phát hiện bé trai khóc to ở khu vực nhà vệ sinh. Sản phụ 18 tuổi (quê Bình Thuận) đẻ rơi con trai nặng 3kg khi vào nhà vệ sinh của bệnh viện, sau đó đặt bé vào thùng rác.

Sản phụ máu chảy âm đạo nhiều, tầng sinh môn rách, âm đạo còn nhau, tử cung gò chắc. Theo bác sĩ Kim Phúc Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện, ngày 21/12, cả mẹ và bé sức khỏe ổn định, đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

Sản phụ nói không biết mình có thai, từng bị rối loạn kinh nguyệt nên không để ý chuyện mình chậm kinh. Chị vẫn đi tập thể dục, yoga bình thường, đang theo học tiếng Anh giao tiếp. Sáng 20/12, chị thấy đau bụng nên gọi điện nhờ dì ruột đưa đi khám tại phòng khám tư gần nhà và được kết luận viêm ruột thừa.

Trước lời khai của sản phụ, cộng đồng mạng dấy lên nghi ngờ vì thai nhi nặng 3kg, không có chuyện người mẹ không nhận ra dấu hiệu mang thai. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp hiếm. Nhiều sản phụ trẻ tuổi không biết mình mang thai, dù ở tháng thứ 5 của thai kỳ.

Nguyên nhân khiến sản phụ không nhận ra mình mang thai

Trường hợp không biết mình mang thai hoàn toàn có thể xảy ra với phụ nữ không quan hệ tình dục thường xuyên, kinh nguyệt không đều hoặc không khám phụ khoa định kỳ. Ngoài ra, sức khỏe tâm thần cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Hội chứng chối bỏ thai kỳ (pregnancy denial) là thuật ngữ chỉ tình trạng tâm thần phức tạp, khiến người phụ nữ thiếu nhận thức về việc mình đang mang thai.

Theo WebMD, 1 trong 2500 phụ nữ chỉ biết mình mang thai khi đã chuyển dạ. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần khả năng sinh ba ở phụ nữ. Một số nguyên nhân sau đây khiến phụ nữ không nhận ra mình đang mang thai:

Lo sợ hoặc áp lực

Áp lực hoặc cảm giác lo sợ dẫn tới hội chứng chối bỏ mang thai ở phụ nữ

Nỗi sợ hãi phải làm mẹ có thể dẫn đến cơ chế phản vệ ở phụ nữ, khiến họ có xu hướng chối bỏ những dấu hiệu mang thai. Đặc biệt, bạn gái mang thai ở tuổi vị thành niên, mang thai khi chưa kết hôn phải chịu áp lực lớn từ gia đình và xã hội, dễ dẫn đến phản ứng chối bỏ này.

Rối loạn kinh nguyệt

Stress, sử dụng thuốc tránh thai hoặc các bệnh lý khác (đa nang buồng trứng, đái tháo đường) là các tác nhân gây rối loạn kinh nguyệt nhiều tháng ở phụ nữ. Do đó, khi bị mất kinh, trễ kinh, nhiều sản phụ không nghĩ đó là dấu hiệu mang thai.

Không có dấu hiệu mang thai

Không phải phụ nữ nào cũng có dấu hiệu tăng cân, bụng to giống nhau

Không phải chị em nào cũng gặp các dấu hiệu tăng cân, ốm nghén, mệt mỏi khi mang thai. Các triệu chứng này cũng có thể thoáng qua, không rõ ràng nên sản phụ không nhận thấy. Tùy theo thể trạng, một số phụ nữ có thể mang thai 30 tuần mà không có dấu hiệu bụng to rõ rệt.

Không cảm nhận được cử động của thai nhi

Ở tuần 18-20 của thai kỳ, hầu hết các bà mẹ bắt đầu cảm nhận được em bé đạp trong ổ bụng. Tuy nhiên, nếu vị trí nhau thai nằm ở trước bụng, thai nhi không có nhiều không gian để đạp, người mẹ cũng không cảm nhận được cử động của con.

Sản phụ mắc hội chứng chối bỏ thai kỳ vẫn có thể sinh nở an toàn, thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi phải sinh con trong tình trạng ngoài ý muốn, người mẹ có thể thiếu công tác chuẩn bị về vật chất và tinh thần cho em bé sắp ra đời.

Do đó, sau khi quan hệ tình dục không an toàn, chị em cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu mang thai. Ngoài các dấu hiệu như trễ kinh, tăng cân, bà bầu có thể gặp triệu chứng: Ngực sưng, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, buồn nôn, nhạy cảm với mùi của một số món ăn.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phụ khoa