Quảng cáo Thăng Trĩ Mộc Hoa vi phạm “nghiêm trọng” nhiều quy định của pháp luật

Nhiều quảng cáo Thăng Trĩ Mộc Hoa đang vi phạm “nghiêm trọng” nhiều quy định của pháp luật

Nhiều sản phẩm trên shopee.vn cũng bị khuyến cáo: "Không mua, không sử dụng"

Vi phạm quảng cáo, Đông Nam Dược Phúc Nguyên bị xử phạt

Vi phạm quảng cáo, Kingphar Việt Nam bị xử phạt

hocvienquany.com.vn mạo danh để bán hàng?

Quảng cáo “bất chấp luân thường đạo lý”

Theo Cục An toàn thực phẩm, nhiều website đang vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm Thăng Trĩ Mộc Hoa như: benhtri.biquyetsongkhoe.asia; xkmh.xuongkhoptaigia.xyz; thangtri.tapchisuckhoe.club…

Cục khẳng định, các website này "đang quảng cáo sản phẩm Thăng Trĩ Mộc Hoa như thuốc chữa bệnh; sử dụng danh tính bác sỹ, cơ quan y tế, bệnh nhân để quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng".

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không tin vào các quảng cáo tại các website/internet nêu trên để lựa chọn mua sản phẩm.

Được biết, theo Giấy Xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 23255/2017/ATTP-XNCB do Cục An toàn thực phẩm cấp, sản phẩm Thăng Trĩ Mộc Hoa thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do công ty TNHH Mộc Hoa Đường (Địa chỉ: Số 81, ngõ 25 Vũ Ngọc Phan, Phường Láng Hạ, Quận Đống đa, Hà Nội) đứng tên công bố. Sản phẩm do Công ty TNHH Sản xuất và XNK Thực phẩm chức năng ASEAN (Địa chỉ: Số 12 khu B, thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội) sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm từng nhiều lần khẳng định: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Những “phốt” của Mộc Hoa Đường và IAC

Đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm có liên quan đến thương nhân chịu trách nhiệm là công ty TNHH Mộc Hoa Đường bị cảnh báo vi phạm quy định về quảng cáo. Cơ quan chức năng thậm chí từng phải ra nhiều án phạt cho công ty này.

Cụ thể, năm 2018, Công ty TNHH Mộc Hoa Đường (cùng mã số thuế: 0107328481 – khi đó có địa chỉ trên đăng ký kinh doanh là Số nhà 07, Lô L2, Dự án khu nhà ở thấp tầng Hải Ngân, thôn T, Xã Thanh Liệt, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) bị phạt 35 triệu đồng vì hành vi quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: An Phế Khang, Vương Lực Khang, Navi Xoan, Liver Rolex, Ăn ngon ngủ ngon MH… mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Cũng trong năm 2018, công ty này nhận án phạt 60 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Mộc Hoa gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cũng trong hơn 2 năm kể từ khi các sản phẩm của công ty TNHH Mộc Hoa Đường được cấp xác nhận công bố, Cục An toàn thực phẩm cũng đã nhiều lần ra cảnh báo chính thức về hành vi quảng cáo sản phẩm do công ty TNHH Mộc Hoa Đường  đứng tên trên xác nhận công bố có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.

Nhiều người tiêu dùng đã tin vào lời quảng cáo sai phạm của các sản phẩm  do công ty TNHH Mộc Hoa Đường  đứng tên trên xác nhận công bố  để rồi “tiền thì mất, tật vẫn mang” nhưng câu trả lời cho việc ai là người đứng ra quảng cáo theo kiểu lừa dối người tiêu dùng thì vẫn bỏ ngỏ. Lần lượt các cảnh báo cứ được cơ quan cấp phép sản phẩm phát ra còn chuyện tìm ra người “phát tán” nội dung quảng cáo vi phạm thì vẫn chưa được các cơ quan chức  năng khác thực hiện theo đúng chức năng được phân công.

Nhan nhản “website Việt” quảng cáo cho Mộc Hoa Đường

Đáng nói là các hành vi quảng cáo không diễn ra không chỉ trên các website có tên miền quốc tế. Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Thực phẩm chức năng thì hàng loạt các “website Việt” (tức là các website có tên miền .vn; thậm chí là website có tên miền đặc biệt như edu.vn, org.vn…) vẫn tồn tại các quảng cáo có dấu hiệu vi phạm tương tự.

Đơn cử như https://nci.org.vn/thang-tri-moc-hoa/ ngang nhiên quảng cáo công dụng từng thành phần riêng rẽ của Thăng Trĩ Mộc Hoa cùng nhiều nội dung quảng cáo khác chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Bài viết này được ghi của tác giả: Dược sỹ Cao Đắc Khoa. Đáng lưu ý là phần trả lời bạn đọc bên dưới bài viết của tác giả lại hướng dẫn về việc liên hệ với “các tư vấn viên của bọn mình” để giải đáp thêm. Liệu có thể hiểu vị “dược sỹ” này cùng “các tư vấn viên của bọn mình” đang quảng cáo để bán hàng?

 

Hay trên https://fel.edu.vn/thang-tri-moc-hoa/, tác giả Dược sỹ Đỗ Ánh ngang nhiên gọi sản phẩm này là thuốc ở tên sản phẩm. Ngoài những thông tin chia sẻ mang tính chất quảng cáo quá đà về sản phẩm, vị dược sỹ này còn nhiệt tình trả lời bạn đọc với nội dung thừa nhận mình thuộc nhóm tư vấn đặt hàng: "Bạn có thể tìm tới nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Bimufa để đặt mua sản phẩm nhé. Ngoài ra có thể chọn phương thức đặt hàng online liên hệ số 08 5354 9696 để dược sĩ bên mình tư vấn đặt hàng ạ" hay "Nhà thuốc em đảm bảo thuốc chuẩn, được tư vấn bởi dược sĩ đại học Dược Hà Nội nên bạn không phải lo đâu nhé".

Còn 1 website tự nhận là nhà thuốc có địa chỉ https://nhathuocvinhloi.vn/thang-tri-moc-hoa/ cũng có nhiều nội dung quảng cáo có dấu hiệu vi phạm:

Không chỉ có các website, nhiều “sàn” thương mại điện tử cũng đang tích cực quảng cáo và bán hàng cho Thăng trĩ mộc hoa và cũng đều có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo như Lazada, Shopee…

Xử lý các quảng cáo này thế nào xin để cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Thực phẩm chức năng, trên thị trường hiện còn xuất hiện 1 sản phẩm quảng cáo là Thăng trĩ mộc hoa nhưng thực tế lại sử dụng hình ảnh sản phẩm có tên Thăng tri mộc hoa của Công ty TNHH Thương mại IAC để quảng cáo. Sản phẩm này có Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố số 13175/2019/ĐKSP. Sản phẩm do Nhà máy 2 - Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế Thăng Long sản xuất. Điều đáng nói là trong tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Mộc Hoa Đường trước đây, Công ty TNHH Thương mại IAC lại chính là đơn vị đứng tên phân phối sản phẩm. 2 sản phẩm có bao bì có nhiều nét tương đồng này có liên quan đến nhau hay không? Công ty TNHH Mộc Hoa Đường hay Công ty TNHH Thương mại IAC hay còn đơn vị/cá nhân nào khác đang thực hiện những quảng cáo vi phạm này?

Cảnh Phong H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng