Bài tập giúp bệnh nhân mắc COVID-19 phục hồi phổi

Một động tác trong quy trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Bệnh viện 1A

Các bệnh viện Trung ương tăng cường chi viện cho TP.HCM chống dịch COVID-19

TP.HCM hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, cao nhất 10 triệu đồng

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi y tế tư nhân TP.HCM cùng chống dịch COVID-19

Đồng Nai giãn cách xã hội đến 16/8, Bình Dương lập thêm 2 bệnh viện dã chiến

Phục hồi chức năng phổi là cần thiết và hiệu quả ở bệnh nhân sau điều trị COVID-19. Riêng các trường hợp có tổn thương phổi rõ ràng phải điều trị theo phác đồ y khoa kết hợp giữa chuyên khoa hô hấp và phục hồi chức năng. Với thể nhẹ, không triệu chứng hoặc người đã trị khỏi hoàn toàn COVID-19 có thể áp dụng một số bài tập phục hồi chức năng phổi tại nhà.

Dưới đây là bài tập giúp người nhiễm COVID-19 phục hồi chức năng phổi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP.HCM giới thiệu theo hướng dẫn của ThS.BS.Calvin Q Trịnh (Trịnh Quang Anh) đang công tác tại khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện 1A - Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM.

Bài 1: Thở ra kéo dài

- Hít vào bằng mũi, sau đó thở ra kéo dài bằng miệng.

- Thở ra mạnh: Hít vào bằng mũi, sau đó thở ra nhanh và mạnh bằng miệng, giúp khai thông đường thở bằng phản xạ ho ở cuối kỳ thở ra.

Bài 2: Mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở

- Động tác 1: Đưa hai tay ra trước, bắt đầu hít vào và đưa hai tay ra sau tối đa. Sau đó thở ra từ từ và đưa tay về vị trí cũ.

- Động tác 2: Đưa hai cùi chỏ ra trước, bắt đầu hít vào và xoay cùi chỏ tối đa ra sau. Sau đó thở ra từ từ và xoay cùi chỏ về vị trí cũ.

Bài 3: Tăng cường vận động cơ hô hấp

- Thở ngực: Đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Bắt đầu hít vào tối đa cho lồng ngực nở ra, sau đó thở ra từ từ. Lưu ý hóp bụng, giữ cho bụng không phình ra trong lúc hít thở.

- Thở bụng: Đưa hai tay lên bụng, hít vào cho đến khi bụng phình ra tối đa, sau đó thở ra cho đến khi bụng xẹp vào tối đa.

Bài 4: Loại bỏ dung tích khí cặn trong phổi

- Thổi bóng hết sức: Tương đương với thở ra hết sức, giúp loại bỏ khí cặn trong phổi. Đưa bóng lên miệng, lấy hơi rồi thổi một hơi kéo dài, thở ra hết sức trong một lần thổi.

Bài 5: Tăng cường sức bền

- Cánh chim bay: Hai tay cầm tạ buông dọc theo thân mình, bắt đầu hít vào và nâng hai tay sang ngang. Sau đó thở ra từ từ và hạ tay xuống vị trí cũ.

- Cánh tay đan chéo: Hai tay cầm tạ đưa sang ngang và bắt đầu hít vào. Sau đó thở ra với hai tay nhau phía trước.

- Cánh tay trên đầu: Hít vào đồng thời đưa hai tay cầm tạ qua đầu, sau đó thở ra và hạ tạ xuống.

Bài 6: Tăng dung tích sống từng thùy phổi

- Thùy phổi giữa: Choàng khăn từ sau lưng ra trước ngực, vị trí phía dưới nách. Hai tay đan chéo cầm hai đầu khăn. Bắt đầu hít vào thật sâu và siết khăn lại, sau đó buông khăn đột ngột và thở ra.

- Thùy phổi dưới: Làm tương tự nhưng khăn nằm ở vị trí dưới ngực. Lưu ý buông khăn trước khi bắt đầu thì thở ra.

Bài 7: Vũ điệu nhịp thở

- Động tác 1: Đứng thẳng, chân dang ngang bằng vai. Hít vào và đưa hai cánh tay lên chụm vào nhau. Sau đó thở ra và đưa tay về vị trí cũ.

- Động tác 2: Cúi người, chân dang ngang bằng vai, cánh tay đan chéo. Hít vào và vươn người lên với hai cánh tay chụm vào nhau, sau đó thở ra và đưa tay về vị trí cũ.

Lưu ý: Đây giống như bài thể dục nên mỗi ngày bạn có thể tập một vài lần, mỗi động tác khoảng 8-10 lần.

*Độc giả có thể tham khảo video hướng dẫn cụ thể bài tập phục hồi chức năng phổi cho bệnh nhân COVID-19 tại: https://www.youtube.com/watch?v=D2UVMRSmc5g

Lê Tuyết H+ ( Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội