Biến thể Delta và mối đe dọa tới trẻ em

Biến thể Delta hiện vẫn đang “thống trị” trên toàn cầu

Sau Delta, thế giới có thể đối mặt với hiểm họa mới mang tên Lambda

Giới khoa học Anh lo ngại về tiêm vaccine vẫn nhiễm biến thể Delta

Thế giới vượt mốc 200 triệu ca COVID-19 và sự "thống trị" của biến thể Delta

WHO cảnh báo biến thể Delta sẽ tiếp tục thống trị

Biến thể Delta (còn có tên khoa học là B.1.617.2) là một biến thể dòng B.1.617 của SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID-19. Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020, sau đó được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên chính thức vào ngày 31/5/2021.

Biến thể Delta và mối đe dọa tới trẻ em

Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa (Mỹ), chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 8 đã có gần 94.000 trẻ mắc COVID-19, chiếm khoảng 15% toàn bộ số ca nhiễm mới ở Mỹ. Số ca mắc COVID-19 ở trẻ tăng gấp 3 lần trong 3 tuần gần đây, dù chưa bằng giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 1/2021 với 211.466 ca nhiễm ở trẻ em chỉ trong vòng một tuần.

BS. Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine, người đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ) cho biết: “Biến thể Delta dễ lây truyền hơn nhiều lần so với các biến thể trước đây của SARS-CoV-2. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến ngày càng có nhiều trẻ mắc COVID-19”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể trước đó gấp 2 lần, ước tính có thể lây lan mạnh hơn 225% so với chủng virus ban đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi đây là phiên bản virus “nhanh nhất và mạnh nhất” trong số các biến thể của SARS-CoV-2 từng xuất hiện trong đại dịch COVID-19.

Biến thể Delta được đánh giá là nhanh và mạnh nhất trong số các biến thể SARS-CoV-2

Do phần lớn trẻ em chưa được tiêm phòng, các bé sẽ trở thành đối tượng có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2. Một số bác sỹ ở tuyến đầu của Mỹ cho biết, họ thấy nhiều trẻ mắc COVID-19 thể nặng nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây của đại dịch và biến thể Delta có thể là nguyên nhân gây ra điều đó.

Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận rằng biến thể Delta khiến trẻ bị bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm cả biến thể Delta dễ lây truyền và trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng có thể khiến ngày càng nhiều trẻ phải nhập viện hơn, đặc biệt là ở những khu vực nơi virus đang lây lan mạnh.

Làm sao ứng phó với biến thể Delta, đặc biệt với đối tượng trẻ em?

Dù đa số trẻ mắc COVID-19 chỉ có triệu chứng khá nhẹ như chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho hoặc sốt, vẫn có nhóm nhỏ các bé bị triệu chứng nặng và buộc phải nhập viện vì viêm phổi hoặc các vấn đề về hô hấp khác.

Hiện nay, các loại vaccine đều có khả năng chống biến thể Delta và ngăn chặn bệnh chuyển nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được phép tiêm phòng. Do vẫn chưa rõ khi nào trẻ dưới 12 tuổi mới được phép tiêm vaccine ngừa COVID-19, các chuyên gia khuyến cáo cách tốt nhất trong thời điểm này để giảm nguy hiểm cho trẻ em, giảm gánh nặng cho bệnh viện là những người đủ tuổi tiêm phòng cần được tiêm vaccine để giảm nguy cơ lây lan của biến thể Delta.

Bên cạnh đó, mọi người dân cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, ví dụ như thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) để góp phần bảo vệ bản thân, gia đình, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới một cách sớm nhất.

Dự kiến về việc tiêm vaccine cho trẻ em Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em vì số lượng vaccine còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhi mắc COVID-19 trở nặng và tử vong ở nước ta chưa có.

Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12 - 18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.

Dự kiến trong quý IV/2021 mới có vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - 18 tuổi về Việt Nam. “Khi ấy chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em. Vì nếu không tiêm cho trẻ em thì không thể hoàn thiện lá chắn phòng thủ với COVID-19 cho cộng đồng", BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội