Hà Nội nhận 1 triệu liều vaccine Vero Cell, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

3.000 cán bộ y tế sẽ hỗ trợ Thủ đô tiêm vaccine, xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

TP.HCM chuẩn bị cấp “thẻ xanh vaccine”, Cà Mau nới lỏng giãn cách

Quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 2 tuổi

TP.HCM, Tây Ninh xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho nửa đầu tháng 9

Hà Nội vừa nhận gần 1 triệu liều vaccine Pfizer và AstraZeneca: Ai sẽ được ưu tiên?

Hà Nội nhận 1 triệu liều vaccine Vero Cell

1 triệu liều vaccine Vero Cell đã được phân bổ về các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đêm qua. Từ ngày 9/9, Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai tiêm số vaccine này. Theo kế hoạch tiêm chủng, thông tin tiêm vaccine gì cho người dân đều được thông báo một cách công khai.

Như vậy, tính tới ngày 8/9, Bộ Y tế đã phân bổ cho ngành y tế Hà Nội 3,3 triệu liều vaccine (trong đó có 3,1 triệu liều thực nhận về kho của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hà Nội - CDC Hà Nội). Với 1 triệu liều vaccine Vero Cell mới được cấp, tổng số vaccine Hà Nội đã được cấp tăng lên 4,3 triệu liều. Ngoài ra, có khoảng 1 triệu liều vaccine đã được cấp cho các viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn.

Ngành Y tế Hà Nội đã tiêm hơn 215.000 mũi tiêm vaccine COVID-19 trong ngày 8/9, nâng tổng số mũi tiêm do ngành y tế Thủ đô thực hiện lên gần 2.890.000, trong đó có 2.570.866 người đã tiêm mũi 1 và 317.777 người tiêm đủ 2 mũi.

Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn Hà Nội, đến nay có khoảng 3,78 triệu liều vaccine đã được tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vaccine hiện khoảng 57%.

Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vaccine hiện khoảng 57%

TS. Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện thành phố đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cấp vaccine để đạt độ bao phủ tiêm chủng. Công suất tiêm của Hà Nội là 200.000 mũi/ngày, nhưng vẫn phụ thuộc vào lượng vaccine được phân bổ.

Hà Nội mở thêm 300 dây chuyền tiêm chủng, nhằm đẩy nhanh mục tiêu phòng, chống dịch

TS. Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để thực hiện nhanh mục tiêu tới 15/9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân Hà Nội từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện, xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch đã được UBND thành phố ban hành, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, Hà Nội huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập, tư nhân, các bộ, ngành Trung ương, huy động cả hệ thống chính trị xã hội. Đặc biệt, Hà Nội có sự hỗ trợ của 11 tỉnh lân cận (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng) trong công tác xét nghiệm và tiêm chủng.

"Hà Nội sẽ mở thêm nhiều điểm tiêm chủng trên toàn thành phố với 300 dây chuyền tiêm chủng, xét nghiệm được thiết lập mới, nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của Hà Nội lên 1.500. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 3.000 nhân lực y tế hỗ trợ Hà Nội thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm chủng", TS. Nhị Hà cho biết.

Để tăng tốc độ tiêm chủng, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vào buổi tối cho người dân, mở thêm điểm tiêm tại nhà văn hóa, trường học. Trước khi tiêm, tất cả người đến tiêm đều phải test nhanh COVID-19 để đảm bảo vấn đề phòng, chống dịch.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý, do tại vùng 1 thực hiện lấy mẫu xét nghiệm xong sẽ tiêm vaccine luôn nên khâu tổ chức rất quan trọng, đòi hỏi phải bài bản, khoa học, đồng bộ, tránh tập trung đông người.

"Lần này không phải lấy mẫu xét nghiệm đại diện, nhất là tại các khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam" mà là lấy mẫu bắt buộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cả thành phố chỉ cần sót vài trường hợp nhỏ lẻ có nguy cơ cao hoặc đang mang mầm bệnh thì công sức của cả thành phố sẽ đổ sông, đổ biển. Nếu ở địa bàn nào yêu cầu lấy mẫu 100% người dân mà để sót, xảy ra dịch bệnh thì Bí thư, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm", ông Phong nhấn mạnh.

Việc tiêm chủng “thần tốc” và xét nghiệm diện rộng trên toàn Thủ đô sẽ giúp Hà Nội sớm phát hiện F0 trong cộng đồng, nhanh chóng có nhiều “vùng xanh” an toàn để người dân sớm trở về trạng thái bình thường mới. Do đó, để hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (nhất là ở cấp cơ sở), cùng với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội