Không gian tâm thức: Trí tuệ, tâm trí và tiềm thức


Trí tuệ, tâm trí và tiềm thức là ba chiều của không gian tâm thức


1. Trí tuệ

Trí tuệ là sự tiếp thu tri thức của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học kinh doanh, khoa học chính trị, khoa học con người và khoa học tâm linh,... Đồng thời là sự hấp thụ những trải nghiệm của đời sống, thành công và thất bại. Tất cả theo thời gian, năm tháng những tri thức và những trải nghiệm ngấm vào máu thịt, thấm đẫm trong từng tế bào, không chỉ chứa đựng trong bộ óc mà còn tràn đầy trong trái tim, hình thành và hun đúc nên thành bản lĩnh trí tuệ. Trí tuệ là cái bên trong của con người, nó từ bên ngoài rồi trở thành một phần của cái bên trong.

Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của Con Người. Thông qua Trí tuệ Con Người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,... của Con Người đều dựa vào nền tảng chung đấy là Trí tuệ.

Howard Gardner, Giáo sư về giáo dục tại Đại học Harvard, đề xuất 8 hình thái khác nhau để miêu tả phạm vi rộng lớn các tiềm năng Trí tuệ của con người. Những hình thái Trí tuệ này bao gồm: (1)Trí tuệ ngôn ngữ; (2) Trí tuệ logic, toán học; (3) Trí tuệ không gian; (4) Trí tuệ vận động thân thể; (5) Trí tuệ âm nhạc; (6) Trí tuệ về tự nhiên; (7) Trí tuệ giao tiếp và (8) Trí tuệ nội tâm. Sự phân tích đa diện của Trí tuệ là một khám phá thú vị, nhưng chưa phải là tất cả.

Một phương diện rất lớn khác là Trí tuệ tâm linh, nhưng chưa được giáo sư Gardner đề cập tới. Khoa học về Trí tuệ không chỉ thuộc về Triết học Duy vật, nó thuộc về Cuộc sống. Triết học Duy tâm đã có những hiểu biết khá sâu sắc về Trí tuệ. Tôn giáo và Phật giáo đã biết về Trí tuệ từ hai ngàn năm trăm năm trước. Ở đây, chúng ta tìm hiểu Trí tuệ theo ngôn ngữ của thời đại hiện nay.

Trí tuệ có ba thuộc tính, đó là tính Vận động, tính Sáng tạo và tính Chủ quan.

Không thể lấy chỉ số IQ để đánh giá tiềm năng Trí tuệ của một con người. Bản lĩnh Trí tuệ được hấp thụ từ Tri thức của Khoa học, của Tự nhiên, của Nghệ thuật, của Cuộc sống. Trí tuệ phát triển theo thời gian, phát triển theo những trải nghiệm của cuộc sống, trong một đời người; nó luôn biến đổi và phát triển theo thời gian. Đó chính là thuộc tính vận động.

Sáng tạo là thuộc tính thứ hai của Trí tuệ. Vũ trụ có thể được mô phỏng bằng việc chia ra nhiều mảng, mỗi mảng được gắn cho nó một toạ độ 3 chiều. Vũ trụ không có thời gian tuyệt đối, thay vào đó mỗi một cá thể có một độ đo thời gian khác nhau, tuỳ thuộc vào vị trí và tốc độ chuyển động của nó. Và lý thuyết tương đối đã vứt bỏ khái niệm thời gian tuyệt đối. Một kỷ nguyên mới về vật lý vũ trụ lại được mở ra. Tính Sáng tạo của Trí tuệ tạo ra bước nhảy cho Tri thức, cho Khoa học.

Nếu Tri thức có thuộc tính Khách quan, thì Trí tuệ không có thuộc tính Khách quan. Trí thức được tích luỹ, rồi được hấp thụ, rồi mới chuyển hoá để được thành Trí tuệ. Trí thức là cái bên ngoài. Trí tuệ là cái bên trong của mỗi Cá thể Con Người. Nó đã được sinh ra từ hương vị ngọt ngào của chiến thắng, của niềm vui; nó cũng đã trưởng thành trong mùi vị đắng cay của thất bại, của nỗi buồn. Nó đã được hấp thụ, nó đã được chuyển hoá nên nó không thể khách quan được. Trí tuệ sống dựa vào những định kiến, nó luôn không công bằng. Thuộc tính thứ ba của Trí tuệ là tính Chủ quan. Chủ quan theo từng cá thể con người, chủ quan theo từng giai đoạn của cuộc sống, chủ quan theo từng xã hội và môi trường tồn tại,...

2. Tâm trí

Tâm trí là những cảm xúc, suy luận, định kiến, phán xét, liên hệ, tưởng tượng và cả tư duy,... Tâm trí luôn luôn lôi kéo Trí tuệ. Tâm trí là lăng kính của Trí tuệ. Qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) chúng ta luôn nhận biết được 5 đặc tính của sự vật (sắc, thanh, hương, vị và xúc). Tâm trí không những khởi lên những vấn đề của hiện tại, mà còn nhớ lại các cảnh thuộc quá khứ, mơ ước các cảnh trong tương lai cũng mạnh mẽ không kém. Tâm trí luôn liên hệ với vô minh, với ngã chấp, luôn cho sự vật những ý nghĩa theo ngã, ngã sở, theo các tâm tham, sân, si, đầy phiền não, mà lãng quên đi thật tướng của sự vật. Tâm trí luôn phụ thuộc vào trạng thái của tình cảm. Trong tâm trí, cảm xúc là một yếu tố quan trọng nhất.

Cảm xúc có tiêu cực và tích cực. Cảm xúc tích cực là cảm xúc phát triển. Cảm xúc tiêu cực là cảm xúc phá hủy. Phát triển và phá hủy là phát triển và phá hủy Tâm thức. Cảm xúc lôi kéo Tâm trí, lôi kéo suy nghĩ, lôi kéo ý tưởng, lôi kéo tưởng tượng,... và rồi lôi kéo hành động đến ba độc tham, sân và si; đó là cảm xúc phá hủy. Nó che mờ Trí tuệ, làm tối tăm Tâm thức. Cho nên những con người luôn tranh đấu vì quyền lực, vì danh vọng, vì tiền bạc và vì tính dục là những con người Tâm thức không thể phát triển cao.

3. Tiềm thức

Tiềm thức đến từ những kiếp trước. Khi còn nhỏ do điều kiện khách quan của cuộc sống con người hoặc phải chịu đựng nhiều lần một điều gì đó, hoặc phải chịu đựng một cú sốc rất lớn, những điều đó làm thổn thức trái tim, đã khắc sâu vào não bộ và nó trở thành ký ức, một dạng của tiềm thức. Nó có thể trở lại ngày hôm nay, hoặc ngày mai, khi nó trở lại hành vi con người mang đậm dấu ấn của nó. Khoa học hiện đại gọi hiện tượng này là phản xạ có điều kiện. Nhưng cơ bản và phần lớn, rất lớn Tiềm thức đã được tính luỹ từ rất, rất nhiều kiếp trước.


Tiềm thức đã được tích lũy từ rất nhiều kiếp trước


Tiềm thức có thể tích cực và có thể tiêu cực. Ở một phương diện khác, trong Tiềm thức có Bản năng và Trực giác. Nếu Trí tuệ thuộc về ý thức, thì Bản năng thuộc về vô thức và Trực giác thuộc về siêu ý thức. Cả ba đều thuộc về cái bên trong của con người. Trí tuệ là tầng lầu thứ hai, Bản năng là tầng dưới và Trực giác tầng trên cùng, tầng thức ba. Bắt đầu từ bên ngoài được tích luỹ từ tri thức từ kinh nghiệm; ngấm vào máu thịt, vào hơi thở, vào từng tế bào rồi hình thành lên thành Bản lĩnh Trí tuệ. Bản năng và Trực giác lại nằm ở sâu thẳm bên trong; và được hình thành từ nhiều kiếp sống, được hình thành từ quá trình tiến hoá của loài người; không chỉ hình thành trong một kiếp người. Đó là sự khác nhau giữa Trí tuệ với Bản năng và Trực giác.

Bản năng thuộc về vô thức, xã hội loài người với những định kiến, những lề thói, không coi trọng Bản năng, coi nó gần với thuộc tính của con vật. Bản năng gần với thuộc tính của con vật, Trí tuệ làm cho con người không phải con vật, nhưng Trực giác mới thực sự làm cho con người trở thành Người.
CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức