Thiền đem lại sự tĩnh tâm, giúp con người có được nhiều sáng tạo trong cuộc sống
Thiền - thực chất là do Phật Tổ Như Lai (Sakya Mauni Tathagatha) sáng lập. Sau khi nhập đại định trong suốt 49 ngày, Ngài đắc Pháp thân và báo thân của đức Tỳ Lô Giá Na (Maha Vairocana) và đạt Vô thượng chánh đẳng giác, tức thân thành Phật. Sau đó, ngài dạy cho các đệ tử của mình các kỹ thuật Thiền nhằm mang lại sự giải thoát tâm trí, chứng ngộ tính "không", tức cũng chính là đạt tới Niết bàn và thoát khỏi luân hồi. Đây có lẽ là lý giải rõ ràng nhất về Thiền - Thiền đem lại một sự giải thoát tâm trí.
Vậy, thiền là gì? Thiền để làm gì?
Để hiểu về Thiền, ta phải hiểu về tâm trí con người. Tâm trí của con người khá đặc biệt. Nó được ví như một con khỉ luôn nhảy nhót từ cành này sang cành kia một cách vô ý thức. Thực vậy! Nếu lấy giấy bút mà ghi lại những suy nghĩ của tâm trí chỉ trong vòng 30 phút thì chúng ta sẽ thấy một kết quả vô cùng kinh ngạc. Những suy nghĩ diễn ra trong vô thức cho thấy tâm trí là cả một sự tạp nham, lộn xộn, không có một chiều hướng nhất quán, hay nói quá lên một chút thì là sự "điên khùng"! Rất may cho nhân loại là có sự ra đời của Thiền. Đức Phật Thích ca được ví như vị bác sỹ vĩ đại nhất trong việc chữa trị cho tâm trí "điên khùng" của nhân loại cũng như các bậc chứng ngộ khác như đức Jesus, Mahavira, Lão tử, Mohamet...
Vậy Thiền là gì? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng không dễ trả lời. Bởi khó có thể diễn đạt hết về thiền bằng ngôn từ mà phải thông qua kinh nghiệm tập thiền, phải được “nếm”, được thử. Cũng giống như trong Y học cổ truyền có khái nhiệm "khí”, “huyết", nếu chưa có trải nghiệm, chưa học khí, chưa đắc khí thì ngay cả đến các bác sỹ hay lương y cũng không biết khí là gì. Thiền là trạng thái nhận biết tỉnh giác, vô ý nghĩ, là trạng thái quan sát, chăm chú, tỉnh táo để "xem" tâm trí đang làm gì.
Ta hãy quan sát. Khi một ý nghĩ khởi lên (gọi là Niệm), ta cứ quan sát xem ý nghĩ đó trôi qua như một đám mây. Thế rồi ta quan sát thấy nó đi qua, nó từ từ trôi qua và rồi biến mất. Thế rồi lại có một niệm nữa khởi lên và lại từ từ trôi qua. Chú ý rằng giữa hai niệm khởi lên trong tâm trí của con người có một khoảng giữa - một lỗ hổng, khoảng trống của tâm trí, gọi là vô trí. Trạng thái vô ý nghĩ đó rất thuần khiết. Con người ta không chỉ quan sát được nó mà còn dừng được giữa hai ý niệm đó – Thiền đó! Thiền chính là trạng thái quan sát tỉnh giác các ý nghĩ và nhận biết đích xác việc ta đang nghĩ, việc ta đang làm. Hành Thiền là việc kéo dài thời gian trống giữa hai niệm càng lâu càng tốt. Cứ quan sát các niệm ấy và dần dần, năng lượng cung cấp cho các ý nghĩ trong tâm trí sẽ ít dần đến khi tỉnh táo trong vô trí, tỉnh táo trong nhận biết - việc Thiền đã có đó, việc Thiền đã xảy ra!
Phật dạy rằng người ta không nên sợ việc ý nghĩ nảy sinh mà chỉ sợ chậm trễ trong việc nhận biết chúng. Nếu nhận biết được, con người sẽ là chủ của tâm trí, không bị tâm trí "vẩn vơ" làm thiếu tỉnh táo, bị lệ thuộc, bị cầm tù trong sự “vẩn vơ” này. Thiền để lấy lại sự minh tâm vốn có sẵn trong mỗi con người, là Phật tính của mỗi con người mà do vô minh, do vọng niệm che lấp - nguyên nhân của luân hồi, nguyên nhân của khổ. Con người là bầu trời, các niệm là mây. Bầu trời luôn luôn trong xanh, luôn rực rỡ, còn đám mây đen kéo tới che mờ bầu trời, tất cả tối đen, u ám nhưng khi mây tan bầu trời lại hiện ra trong sáng như cũ. Vọng niệm tới che khuất bản tâm khiến con người ta ngủ, mơ, u ám nhưng khi vọng niệm tan ta thấy tâm mình sáng chói, cảm giác an lạc, vui vẻ vô cùng. Lúc ấy là Niết bàn, lúc ấy là chân lý. Nếu quan sát các vọng niệm ấy, nhìn thẳng vào ý nghĩ ấy, hẳn nhiên sẽ thấy kinh ngạc. Lần đầu tiên có sự hiểu biết tận gốc rễ sự việc và lần đầu tiên chặt đứt vọng niệm.
Vậy Thiền để làm gì? Thiền để Định, Định sinh Tuệ (Huệ) là cái đích cuối cùng của Thiền. Người có Huệ là người thích ứng nhận biết với thực tại, sống trong chánh niệm, là người có nhiều rung động với cuộc sống, có nhiều sáng tạo (hay gọi là người chứng bát nhã) và có Từ bi hay giúp đỡ người khác…
Bình luận của bạn