“Vén mây tìm trăng” nơi thế tục

Đức Phật dạy: “… giáo lý chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy…”

Thượng tọa Thích Minh Hiền: Muốn Tin phải Hiểu

Kỳ quan Phật giáo cổ xưa và độc đáo nhất thế giới

“…Thường chúng ta trình bày đạo Phật ngang qua sự hiểu biết của chúng ta, và điều nguy hại hơn là ngang qua cảm tình và sở thích của chúng ta, vì vậy nhiều khi tư tưởng và thái độ của Đức Phật bị bóp méo, rạn nứt rất nhiều…” Đây là những lời được Tỳ kheo Thích Minh Châu viết từ những năm 1966 trong bài giới thiệu cuốn sách “Tư tưởng Phật học” của Walpola Rahula (bản dịch của Thích nữ Trí Hải).

Theo Tỳ kheo Thích Minh Châu, cuốn sách đã vượt qua được cái bẫy trí tuệ ấy, để thể hiện và xác chứng quan đểm của tác giả bằng cách dẫn chứng trung thành và khách quan những lời dạy của chính Đức Phật.

Tỳ kheo Thích Minh Châu cho biết, Đại đức Walpola Rahula là người đã trải qua quá trình học và nghiên cứu Phật giáo tại các Phật học viện (Pirivena) truyền thống, các trường Đại học lớn của cả phương Đông và phương Tây, tiếp xúc với nhiều nhà tu hành và nghiên cứu Phật giáo… sau đó giảng dạy và trước tác sách vở tại Đại học Sorbone (Pháp). Đại đức có thể được xem là người tinh thông cả hai giáo lý Đại thừa và Tiểu thừa cùng vốn kiến thức tôn giáo, văn minh nhân loại vô cùng lớn.

Cũng chính vì thế, quyển sách của Ngài qua bản dịch tiếng Việt không dày dặn và đồ sộ song thực sự là một tác phẩm mà bất cứ người quan tâm đến Phật giáo nào cũng nên đọc. Dù được viết ra cách đây đến hơn nửa thế kỷ, những quan điểm đầy khách quan và thuần khiết, tiến rất gần đến chân giáo lý từ những lời dạy của Đức Phật ấy hàm chứa nhiều tầng ngữ nghĩa sâu xa, giúp con người có thể đọc và Giác Ngộ được từng phần khúc mắc trong nhận thức.

Trong bối cảnh, niềm tin vào Phật giáo dù lớn nhưng bị lung lạc rối ren bởi sự tác động từ thế gian, từ không ít người thừa hành (hoặc tự nhận là đệ tử Phật giáo) bất tuân Pháp giới, một cuốn sách như thế này thực đáng quý. Để những người yêu quý và khao khát tìm về “chân đạo” thực sự có thể gạt lớp mây mù thị phi, tìm về đúng với bản nguyên vấn đề.

Đức Phật dạy: “Chấp trước vào một điều gì (một quan điểm nào) và kinh miệt những người khác (quan điểm khác) xem là thua kém – đấy người trí giả gọi là xiềng xích…”

Ngài lại dạy: “… giáo lý chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy…”

Trong khi trích dẫn, chú giải những lời này, cuốn sách cũng chỉ ra rằng: “Nếu bạn hiểu đúng đắn tinh thần Phật giáo (chứ không phải hiểu những chữ, câu), chắc chắn bạn vẫn có thể theo và thực hành nó trong khi vẫn sống đời sống của một thế tục…”

Tin rằng, từ quyển sách này, với những lời dạy súc tích mà đầy thông thái ấy, độc giả sẽ tìm được thứ ánh sáng riêng để rọi vào những mê lầm giữa biển học vô bờ, để chúng ta không đặt niềm tin – ôm giữ lấy niềm tin như một điều mù quáng, mà bỏ qua và xa rời chính Pháp.

 

Tư tưởng Phật học (dịch theo bản Anh ngữ What the Buddha Taught, XNB Gordon Fraser, 1959)
NXB Phương Đông (tái bản)
Giá: 35.000 đồng
Diệu Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức