Chùa Ba Vàng: Phật quang ngự chốn linh sơn


Ngôi chùa từng “ẩn mình” suốt 300 năm

Núi Thành Đẳng bắt nguồn từ dãy núi Yên Tử, thế núi chạy theo hướng Bắc – Nam nhưng khi về đến Uông Bí chuyển hướng Đông – Tây và hạ thành tam cấp: Đỉnh 550m, hạ đoạn 340m và 200m (so với mặt nước biển). Ngôi chùa được xây dựng tại hạ đoạn cấp 3 (200m).

Cắt nghĩa tiếng Hán của những địa danh nơi đây, Đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa – giảng giải: Núi có tên là Thành Đẳng Sơn, “Thành” có nghĩa là thành tựu, thành đạt; “Đẳng” hàm ý là vô thượng Chính đẳng Chính giác. Còn “Bảo Quang” có nghĩa là ánh sáng quý. Ý tứ sâu xa của tiền nhân chính là xưng tụng công trình quý giá này như ánh sáng Chính pháp, dẫn dắt con người đến với Chính đẳng Chính giác.

Theo tài liệu xưa để lại, vào thời Trần (thế kỷ thứ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 21, qua 800 năm, chùa Ba Vàng đã qua 1 lần khai sơn lập tự và 4 lần trùng tu.

Thông tin này cũng được củng cố thêm qua kết quả từ cuộc khai quật khảo cổ lòng đất tại nền chùa, với hiện vật là những viên ngói đất nung, gạch trang trí nền và một số mảnh sành... Ngói đất nung có hình lòng máng, màu phớt hồng, kích thước 30x15cm, mũi ngói giống mũi hài.Còn gạch đất nung lát nền có kích thước 40x40cm, trang trí hoa văn bông hoa bốn cánh (một loại hoa văn đời Trần). Tất cả các hiện vật tìm được đều mang hoa văn tiêu biểu của mỹ thuật và biểu tượng văn hóa đời Trần. Chứng tỏ vào đời Trần, nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa, dù chưa chỉ rõ lý lịch cụ thể về Sư tổ và ngôi chùa.

Trải qua các biến thiên lịch sử, giặc giã binh đao, giai đoạn thế kỷ 16 – 17, ngôi chùa gần như không có người lui tới, ẩn mình trên núi.

Mãi cho tới năm 1987, một lão nông địa phương đã phát hiện ra những phế tích còn lại của ngôi chùa. Các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã vào cuộc và thu thập được những hiện vật lịch sử có giá trị, trong đó có cây hương đá (thiên đài trụ) được tạc bằng đá nguyên khối. Cây hương hình chữ nhật với kích thước cao 1,45; rộng 0,29m, dày 0,25m. Trên đỉnh cây hương là hình bát sen; Bia đáđược làm vào thời Lê Dụ Tông (1706); kích thước 0,7m; rộng 0,45m và dày 0,14m. Bia dựng trên đế rùa cao 0,4m; dày 0,94m; rộng 0,7m. Đây là lần trùng tu thứ hai.

Dựa trên các cứ liệu lịch sử và kết quả khai quật, sau khi xác định đây là ngôi chùa mang dấu ấn lịch sử đời Trần, Thị ủy, UBND, HĐND thị xã Uông Bí thể theo nguyện vọng của nhân dân và Phật tử đã cho phép trùng tu lại bằng gỗ (lần trùng tu thứ 3 – năm 1988). Sau 5 năm (1993), ngôi chùa bị xuống cấp nặng nề. Ban tôn tạo đã trùng tu lại bằng gạch ngói, xi măng. Đây là lần trùng tu thứ 3.

Lúc này, chùa có diện tích 55m2 gồm ba gian tiền đường, cửa vòm, một gian tự điện; hai bên cửa giữa đắp nổi câu đối bằng chữ Hán:

Thành Đẳng Sơn thắng cảnh vạn đại lưu danh
Bảo Quang Tự thiền môn thiên thu hương hỏa

Chính giữa tiền đường treo bảo cái bằng vải. Bên trái tiền đường (ngoại hiên) treo một quả chuông nặng 20kg. Ban thờ chính hướng Nam ghé Tây gồm 4 cấp: cấp cao nhất 2m20, cấp thấp nhất 1m: Cấp 1 thờ Tam Thế Phật; Cấp 2 thờ Di Đà Tam Tôn; Cấp 3 thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; Cấp 4 thờ tòa Cửu long.

Nhà Mẫu kề cạnh Thượng Điện theo hướng Nam, diện tích 8.32m2 (nhà cấp 4); Miếu Sơn Thần 11m65; Giếng Thần sâu 2.50m, đường kính 1.78m, mức nước 1m.

Các công trình khác: nhà ở, trai đường lợp bằng ngói xi măng, xung quanh bao bằng cót ép rộng khoảng 20m2. Tổng diện tích công trình: 94.97m2.

Công đức lòng dân, thiên thu hương tỏa

Khi đó, do chưa có sư Trụ trì nên các công trình hạ tầng của Bảo Quang Tự chỉ ở mức độ như vậy, đường lên chùa là lối mòn rậm rạp, điện thắp sáng và nước sinh hoạt đều không có. Tất cả các công trình nhà cấp bốn qua 14 năm đã bị dột nát và hư hỏng.

Đại lễ khánh thành đã đón tiếp hơn 60.000 tăng ni, phật tử và du khách thập phương về dự. Tại lễ khánh thành, chùa Ba Vàng đã chính thức nhận danh hiệu "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất" với diện tích hơn 3.500m2, do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Tham dự lễ khánh thành có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Là ngôi chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử của tỉnh Quảng Ninh, là truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lại có diện tích đất 123.81ha, là khu sinh thái sơn thủy hữu tình có “rồng chầu, hổ phục”, chẳng lẽ lại để Bảo Quang Tự trở thành phế tích? Đó là trăn trở của cả chính quyền và người dân địa phương.

Tới năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh – nguyên là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã về trụ trì chùa Ba Vàng. Với quyết tâm phục dựng chốn tổ, hoằng dương Phật pháp, Đại đức cùng các đệ tử, du khách thập phương đóng góp công sức tiến hành trùng tu ngôi chùa lần thứ tư với quy mô hiện đại và được ghi nhận là ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Việt Nam. Ngày 9/3/2014, chùa Ba Vàng chính thức làm lễ khánh thành.

Với những giá trị về lịch sử, tâm linh, chùa Ba Vàng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch tâm linh tại Việt Nam và là địa chỉ hành hương tin cậy của đông đảo tăng ni, phật tử khắp mọi miền tổ quốc.

Bảo Quang tự nằm trên lưng chừng của núi Thành Đẳng, còn gọi là núi Ba Vàng, là khởi nguồn của dòng nước chảy tạo nên Lựng Xanh - một điểm du lịch hấp dẫn của Uông Bí. Khu vực chùa Ba Vàng toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, theo thế phong thuỷ tuyệt đẹp “toạ sơn, đạp thuỷ” - tựa lưng vào núi, trông ra phía trước xa xa là sông Đá Bạc; hai bên phải, trái là các dãy núi nhỏ xanh mướt rừng thông chạy lúp xúp ra biển theo thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Địa thế ấy tạo cho Ba Vàng một khung cảnh hữu tình, nên thơ mà vẫn toát lên sự linh thiêng, tụ khí của chốn thiền nhà Phật.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức