1
SK+ Hien tang-03

Hiến tạng là một trong những món quà quý giá nhất chúng ta có thể trao tặng cho ai đó. Đối với hàng nghìn người bệnh hiểm nghèo, sự sống hay cái chết đang phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân ái của người lạ. Các bộ phận có thể được cấy ghép là tim, thận, gan, phổi, tuyến tụy và tuyến ức. Mô cấy ghép bao gồm xương, gân, giác mạc, da, van tim, dây thần kinh và mạch máu.

3

Năm 2024 được xem là năm ấn tượng của ngành ghép tạng Việt Nam. Chỉ tính trong 11 tháng năm 2024, nước ta có 31 ca chết não hiến mô, tạng - một số con kỷ lục.

Mỗi trường hợp chết não đồng ý hiến tạng lại mang đến sự sống cho nhiều người khác. Như câu chuyện xảy ra vào cuối tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Bệnh viện Quân y 103 tổ chức lấy 7 mô tạng gồm tim, gan, phổi, 2 thận, 2 giác mạc từ người hiến chết não. Người hiến tạng là nam thanh niên chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu do tai nạn giao thông. Dù đã được các y, bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Nén lại nỗi đau thương, đại diện gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.

Hay như trường hợp tại Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, nam thanh niên nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng trong tình trạng hôn mê sâu, sau đó chết não. Với tấm lòng nhân ái, gia đình nam thanh niên đã đồng ý hiến mô, hiến tạng và nhanh chóng, Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức lấy, vận chuyển 7 đơn vị tạng của chàng trai và ghép thành công cho những người nhận. Những mô, tạng ấy đã có một cuộc sống khác, trong sự tái sinh của nhiều con người khác nhau.

Gần đây nhất vào ngày 7/12, một nam bệnh nhân 42 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tai nạn ngã cầu thang nghiêm trọng dẫn đến đa chấn thương và chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trước khi chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn để tiếp tục điều trị. Dù được các bác sĩ cấp cứu và thực hiện những biện pháp hồi sức chuyên sâu nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn không khả quan. Sau nhiều lần đánh giá lâm sàng và kiểm tra kỹ lưỡng bởi các chuyên gia đầu ngành, bệnh nhân được xác định đã chết não. Trong lúc đối mặt với nỗi đau mất mát, gia đình người nhà bệnh nhân đã đồng ý hiến tạng để cứu sống bệnh nhân khác. Quyết định của gia đình đã hồi sinh 4 cuộc đời đang như “đèn treo trước gió”.

Đến nay, những người được nhận mô, tạng từ người hiến đều khỏe mạnh, họ lại tiếp tục được sống, được yêu và được thực hiện hoài bão của mình.

4

Chia sẻ với Tạp chí Sức khỏe+, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã làm chủ được các phương pháp ghép tạng, ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực. Và có thể nói để hồi sinh một cuộc đời thì ghép tạng là cách duy nhất mới có thể làm được điều đó. Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới, hiện có nhiều người đang khắc khoải sống hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống. Chính vì vậy, nhu cầu ghép tạng là rất lớn.

SK+ Hien tang-06

Thời gian qua, những câu chuyện xúc động về hiến tạng đã khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ, trở thành động lực để nhiều người quyết định đăng kí hiến mô, hiến tạng cứu người.

“Khoe” tấm thẻ đăng kí hiến tạng của mình với bạn bè, Hoàng Huế (Hà Nội) đã nhận được rất nhiều lời động viên, khen ngợi từ bạn. Hoàng Huế chia sẻ: “Để đi đến quyết định hiến tạng mình đã suy nghĩ và tìm hiểu rất lâu. Mình luôn tâm niệm rằng nếu một ngày thân xác này không còn, ít nhất mình vẫn có thể làm điều ý nghĩa cuối cùng là cứu sống người khác”.

Cũng với suy nghĩ muốn làm một điều tốt đẹp cho xã hội, bạn Đ.L (Hà Nam) đã tìm hiểu và đăng ký hiến tạng cách đây 2 năm. Mặc dù việc làm của Đ.L mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xứng đáng được mọi người trân trọng, nhưng bạn lại mong muốn được giấu thông tin bản thân.

Ngay cả trong làng giải trí, thời gian qua, cộng đồng cũng đã chứng kiến hàng loạt nghệ sĩ trẻ đăng kí hiến tạng và lan tỏa những thông điệp tích cực nhằm khuyến khích việc hiến tạng đến người hâm mộ. Có thể kể đến những cái tên như: Hoa hậu Thùy Tiên, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Khắc Việt, MC Hạnh Phúc, Á hậu Tường San, MC Minh Hương, Á hậu Phương Nhi…

SK+ Hien tang-07

Trở lực lớn nhất dẫn đến thực trạng này là do người thân của người chết não không đồng ý hiến tạng, bởi quan niệm “chết toàn thây” của người Việt Nam cũng như một bộ phận người Á Đông. Quan niệm này có lẽ xuất phát từ đạo hiếu của Nho giáo, rằng những gì cha mẹ sinh ra, ban cho hình hài như thế nào thì phải cố giữ, không được làm mất mát; Cho đến khi chết đi thân thể cũng phải toàn vẹn như ngày đầu để trở về gặp cha mẹ, ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia. Trong tâm thức của nhiều người Việt, chết không toàn thây bởi bất cứ lý do gì đều là sự đau đớn, bất hạnh tột cùng cho người chết và người ở lại.

Bên cạnh đó, còn có người quan niệm rằng khi chết mà mất đi một bộ phận nào đó trong cơ thể thì đầu thai vào kiếp khác sẽ không trọn vẹn. Cũng có người cho rằng, Phật giáo trong quan niệm về luân hồi, về kiếp sau cũng có liên quan tới thân xác không toàn vẹn khi chết.

Vấn đề này, Thượng Tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phật học Việt Nam tại TP.HCM, Phó Ban Hoằng pháp TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ trên trang Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia rằng, các quan niệm “chết toàn thây” hoàn toàn sai. Chúng ta phải thấy rõ là không có cách chết nào với các hình thức phổ biến hiện nay như thổ táng, hỏa táng, hoặc điểu táng mà thi thể có thể toàn thây đúng nghĩa. Sự toàn thây sau khi chết chỉ là tạm thời. Mọi sự vật hiện tượng đều bị vô thường chi phối. Thân thể phải trở về cát bụi, không thể vĩnh hằng được.

Theo Phật giáo, cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời. Chỉ trong vòng tích tắc sau khi chết, sự sống được tái sinh trong bào thai của người mẹ mới. Thần tướng của cô, cậu bé tái sinh đó lệ thuộc vào gene di truyền của cha mẹ mới, mà theo luật nhân quả, do phước hiến mô, tạng người tái sinh này sẽ có thân tướng đẹp, cường tráng và sống thọ. Trong giáo lý nhà Phật có câu nói “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, với người hiến tặng mô tạng thì phước báu của họ là vô biên, không thể đong đếm.

Ở góc độ ngành y, chính quan niệm “chết toàn thây” đang là một rào cản, một sự lãng phí rất lớn nguồn tạng quý giá. Một người không may qua đời hiến tạng có thể đem lại sự sống cho rất nhiều người. Có chứng kiến những bệnh nhân suy tim, suy thận giai đoạn cuối vật vã chờ chết trong nỗi thắc thỏm mong ngóng đến gần như tuyệt vọng của họ về một quả tim hay một quả thận khỏe mạnh mới thấy việc hiến tạng bức bách đến thế nào.

SK+ Hien tang-08

Những năm gần đây, quan niệm hiến tạng cứu người tại nước ta có phần cởi mở hơn trước. Trong đó, một phần do truyền thông và hình ảnh những ca ghép tạng thành công phần nào tác động vào nhận thức cộng đồng. Đặc biệt, sau lễ phát động ngày 19/5 vừa qua được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động và kêu gọi toàn dân đăng ký hiến tạng thì số người đăng ký đã tăng lên một cách đột biến, đặc biệt là các ca chết não.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc kêu gọi hiến tạng và thay đổi tư duy của người dân là vô cùng khó, phải liên tục, kiên trì cho đến khi mọi người hiểu, ngấm dần thì nguồn hiến mới dồi dào, cơ hội cho người bệnh chờ được ghép tạng mới được nhiều hơn.

SK+ Hien tang-09

Thứ nhất đối với cộng đồng, cần đẩy mạnh truyền thông sâu rộng với sự phối hợp liên ngành các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tôn giáo, cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là Hội Chữ thập đỏ các cấp đã và đang tích cực trong hoạt động hiến máu nhân đạo. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian vừa qua đã rất tích cực ủng hộ, lan tỏa những thông điệp yêu thương của hiến tạng, đăng ký hiến tạng “cho đi là còn mãi” và những thông điệp tri ân gia đình và người đã hiến tạng sau khi qua đời.

Đối với hệ thống các bệnh viện đang thực hiện lấy và ghép tạng, trước mắt cần thành lập các chi hội vận động hiến mô, tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não để có sự đồng ý hiến tạng từ phía gia đình người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần sớm sửa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có cơ chế tài chính chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xây dựng và trình Chính phủ đề án "Tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô, tạng của Việt Nam" để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng.

"Ở nước ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết não thấp nhất thế giới (chỉ đạt khoảng 0,1 người/triệu dân), trong khi ở nhiều nước tỷ lệ rất cao, như Tây Ban Nha là 50 người/triệu dân. Nhiều nước có luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lý do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. 

SK+ Hien tang-10

Ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân hiểm nghèo không còn lựa chọn nào khác. Trong kệ 41 Kinh Pháp cú có viết: “Không bao lâu thân này/Sẽ nằm dài trên đất/Bị vất bỏ, vô thức/Như khúc cây vô dụng”. Để thi thể này không trở nên vô dụng sau khi chết, và vì chết không phải là hết, mỗi chúng ta hãy tìm hiểu về hiến mô, tạng ngay bây giờ và thực hiện đăng ký sớm nhất có thể. Mỗi người đăng ký hiến mô, tạng sẽ tăng thêm niềm hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang kề cận với tử thần.

10
11
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội