Tối 19/3, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy Công an quận Lê Chân, TP Hải Phòng đã bất ngờ đột kích xưởng trồng cần sa do Đỗ Hải Nam (SN 1976, ngụ đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) làm chủ. Lực lượng chức năng đã bắt quả tang Nam cùng Nguyễn Phi Trường (SN 1974, ngụ quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) đang giao dịch và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Công nghệ nước ngoài
Khám xét khẩn cấp từ 22 giờ ngày 19/3 đến 4 giờ ngày 20/3, công an thu giữ 8 túi ni-lông đựng ma túy đá, 1 hộp đựng cần sa khô, 1 túi đựng hạt giống cần sa và 1 lượng lớn cần sa khô, cần sa tươi; nhiều điếu cần sa cùng các dụng cụ để sử dụng ma túy đá, vật dụng sấy, đóng gói cần sa...
Đặc biệt, các trinh sát phát hiện tầng 3 và 4 của căn nhà (rộng gần 100 m2) được Nam dành riêng để trồng, đóng gói cần sa. Tại 2 tầng này, công an thu giữ 23 cây cần sa các loại.
Nam khai nhận đã vào mạng internet nghiên cứu công nghệ trồng cần sa của nước ngoài để trồng tại nhà mình. Đến thời điểm bị phát hiện, Nam đã thu hoạch được 1 lần.
Hồ sơ của Công an TP Hải Phòng cho thấy đây không phải là lần đầu các vụ trồng trái phép cây cần sa được phát hiện. Điều đáng lo ngại là bọn tội phạm ngày càng “nâng cấp” các thủ đoạn để trồng cây cần sa số lượng lớn với tiêu chuẩn, công nghệ của nước ngoài.
Mới đây, Công an huyện An Dương, TP Hải Phòng phát hiện Hoàng Văn Hồng (SN 1958, trú xã An Đồng, huyện An Dương) xây hẳn một căn phòng ngầm dưới đất và trang bị hệ thống chiếu sáng để trồng cần sa. Hồng còn gây dựng thêm một địa điểm khác để trồng cần sa tại nhà người họ hàng là Hoàng Thị Lành (SN 1948, ngụ phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân). Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hồng, ngoài số lượng lớn cây, hạt giống cần sa, lực lượng công an còn phát hiện cả tài liệu hướng dẫn cách trồng loại cây chết người này.
Gieo trồng khắp nơi
Cần sa - được dân chơi ma túy gọi là “cỏ” - có 400 hóa chất độc và khi hút, 160 chất sẽ theo khói vào cơ thể. Hút nhiều cần sa sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện tim đập nhanh, hồi hộp, lo sợ vô cớ, sau đó trầm cảm, hoang tưởng, sống trong ảo giác và rất dễ phạm tội ác.
Do dễ sử dụng, tại Hải Phòng, nhiều thanh, thiếu niên đã tìm đến và nghiện ngập loại “cỏ” độc hại này. Không chỉ mua bán các loại cần sa đã thành phẩm, rất nhiều đối tượng còn mua hạt rồi gieo trồng ở bất cứ nơi nào có thể, từ nội thành lan ra vùng quê và cả quần đảo Cát Bà.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hưng - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hải Phòng - cho biết dù nhiều kẻ trồng cần sa trái phép đã bị bắt giữ nhưng không thể xử lý hình sự. Theo điều 192 Bộ Luật Hình sự, để xử lý hình sự hành vi trồng cây cần sa, đối tượng phải được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, khi bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm thì bị phạt tù 3-7 năm. Ngoài ra, số cây cần sa thu hoạch phải trên 1 kg mới bị xử lý hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Thượng tá Hưng cho biết sở dĩ có điều luật này là do tính nhân văn của pháp luật vì trước đây, nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng cao có tập quán trồng cây thuốc phiện. Gần 20 năm nay, Chính phủ đã triển khai chương trình thay thế cây thuốc phiện nhằm giúp đỡ đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, khi bọn tội phạm đã biết vận dụng kẽ hở của luật để lách thì quy định nêu trên trở nên bất cập.
Bình luận của bạn