Kết giới, những nét chung và khác biệt của Trai đàn với Giới đàn

Giáo lý Phật Giáo nói rõ sự thật của Chân lý, nói những điều mà đôi lúc tưởng chừng như khó diễn đạt, không thể nghĩ bàn, để giúp cho chúng sanh thấu hiểu về những điều khó nghĩ khó bàn, đồng thời thọ nhận được những công năng của các pháp vi diệu này, Phật Giáo đã dùng rất nhiều phương tiện, Quyền, Thật, Đốn, Tiệm, Hiển Mật.v.v… diễn bày Chân lý trên nền tảng khế cơ, khế lý. Trai đàn, Giới đàn cũng đều là những phương tiện để tỏ bày diễn đạt áo nghĩa huyền diệu thâm sâu của Đại thừa Phật lý.

Trai Đàn còn gọi là Pháp hội được tổ chức vào các dịp như, Đại lễ Vu Lan, lễ cầu Quốc thái Dân an, lễ cầu siêu cho chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn, lễ cầu an và cầu siêu cho Phật tử ở tư gia.v.v…Nội dung Pháp hội thường có như thuyết Pháp, cúng Phật, Trai Tăng, Bái sám, Đăng đàn chẩn tế thí thực. Ngoài ra những đàn tràng có tính cách đặc biệc còn dùng những ngoại khoa có nguồn gốc pha trộn nghi thức Phật Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian như Đàn cúng sao giải hạn, Đàn giải oan cắt kết bạt độ, Đàn huyết bồn.v.v…Trai Đàn Pháp Hội là phương tiện hoằng pháp độ sinh của Phật Giáo.


Hình ảnh Đại Đức Thích Tâm Mãn Đăng Đàn Chẩn Tế tại chùa Long Bửu

Giới Đàn hay còn gọi Tam Đàn Đại Giới lễ truyền giới cho các môn đệ Phật Giáo còn gọi là Giới tử. Theo xưa thì Giới Đàn thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa đông để Giới tử khi thọ Giới xong thì nhập Hạ hoặc nhập Đông để trong ba tháng tu hành thúc liễm thân tâm trao dồi Giới đức. Nội dung gồm có sơ Đàn truyền Giới Sa Di, nhị Đàn truyền Giới Tỳ Kheo, tam Đàn truyền Giới Bồ Tát.v.v…Giới Đàn có tính cách nội bộ của Phật Giáo, với công năng truyền trì mạch đạo, tiếp dẫn hậu lai, nói cách khác là nơi thi tuyển người làm Phật, nối dòng họ Thích.


Trai Đàn, Giới Đàn đều gọi là Đàn vì trong hai pháp hội này đều có lập Đàn và Kết giới. Giới Đàn lập Giới Đài kết Giới Trường, theo [Thích Thị Yếu Lãm] của ngài Thích Đạo Thành đời Tống năm Thiên Hy thứ IV: "Đàn tức là Đài được đắp cao hơn mặt đất, Trường là mặt đất bằng được Tăng Yết ma cắm tiêu làm Cương Giới…" Giới Đàn kết giới để truyền Giới cho Tăng Ni Phật tử. Theo [Tăng Sử Lược] cho rằng: " Giới Đàn có nguồn gốc từ Phật Giáo Nguyên Thủy, trong giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy, những người muốn trở thành Tăng phải cụ túc hết thảy điều kiện của Tăng yêu cầu, nhất nhất phải y theo luật, nếu như có chút nào sai phạm, thì thọ giới sẽ không đắc giới".

Trai Đàn nếu trong Pháp Hội có Đàn Phóng Diệm Khẩu (Đàn Chẩn Tế Cô Hồn) thì mới lập Đàn Kết giới. Đàn Chẩn Tế có nguồn gốc từ Kinh [Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỉ Đà La Ni] và [Cam Lộ Đà La Ni Chú] do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường Vũ Tông Trung Quốc. Diệm Khẩu còn một danh từ khác là Diện Nhiên. trong Kinh[Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỉ Đà La Ni]; Phật thuyết thần chú "Biến Thực Chân Ngôn" trong [Cam Lộ Đà La Ni Chú] Phật thuyết thần chú "Cam Lộ Chân Ngôn", hai thần chú này là tâm điểm của Đàn Chẩn Tế. Theo Kinh [Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỉ Đà La Ni]: "Một thời Phật tại Thành Ca Tỳ La, chùa Ni Câu Luật Na, Đức Phật thuyết Pháp cho chư Tăng và chư Bồ Tát, Bấy giờ Ngài A Nan một mình ở Tịnh thất tu tập thiền định, đến nữa đêm vào khoảng canh ba, có một con Quỉ đói tên là Diệm Khẩu đến trước ngài A Nan Bạch rằng: "còn ba ngày nữa là mạng tôi hết, sanh vào trong Ngạ Quỉ". Ngài A Nan sợ quá mới đến chổ Phật, bạch lại chuyện này và cầu Phật khai thị. Bấy giờ Đức Phật vì nhân duyên này mà nói Thần chú " Vô Lượng Oai Đức Tự Tại Quang Minh Thù Thắng Diệu Lực Đà La Ni ", nếu trì tụng thần chú này lập tức giải trừ các nổi khổ oan khiên của Ngạ Quỉ, phước thọ được tăng trưởng. Tu trì Pháp này, trong tất cả các thời, dùng một cái tịnh bình, đựng đầy nước trong sạch, để vào trong đó một ít cơm hoặc bánh.v.v…tay trái cầm bình, tay phải kết ấn cam lộ để trên miệng bình, tụng Thần chú 7 lần sau đó trì danh hiệu của bốn vị Phật Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Quảng Bát Thân, Ly Bố Úy Như Lai, sau đó bưng bình đổ thực thủy lên đất nơi cao ráo sạch sẽ làm Pháp Bố Thí. Nếu thí cho chư Thiên, Bà La Môn thì tụng Đà la ni 27 biến và sau đó đổ vào trong dòng nước sạch. Nếu cúng dường Tam Bảo, tụng Thần chú 37 lần thì thực phẩm sẽ biến thành tô đà thượng vị phụng hiến Tam Tôn…".


Khi ngài Bất Không Tam Tạng đến Trường An Kinh Đô nhà Đường ở chùa Đại Hưng Thiện dịch bộ [Du Dà Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Cứu A Nan Đà La Ni Nghi Quỹ Kinh] lập thành nghi quỹ và thứ lớp hành trì pháp thí thực.

  1. Phá Địa ngục Chân ngôn
  2. Triệu Ngạ Quỉ Chân ngôn
  3. Triệu tội Chân Ngôn
  4. Tồi tội Chân Ngôn
  5. Định nghiệp Chân Ngôn
  6. Sám Hối Chân Ngôn
  7. Thí Cam Lộ Chân Ngôn
  8. Khai Yết Hầu Chân Ngôn
  9. Thất Như Lai Danh
  10. Phát Bồ Đề Tâm Chân Ngôn
  11. Tam Muội Da Giới Chân Ngôn
  12. Thí Thực Chân Ngôn
  13. Nhũ Hải Chân Ngôn
  14. Phổ Cúng Dường Chân Ngôn
  15. Phụng Tống Chân Ngôn.

Từ bộ Kinh trên nghi thức Chẩn Tế được hình thành. Đến đời Tống thêm vào các Pháp của [Minh Đạo Vô Giá Đại Trai] và các nghi quỹ hành trì Đông Mật nhập vào nghi thức Chẩn Tế, pháp Quán Tưởng của Thiên Đài Tông vào Thần Chú trong khoa Diệm Khẩu. Thời Nguyên, Mật Giáo Tây Tạng thịnh hành cho nên tính chất Mật Giáo càng thể hiện rõ nét hơn nhất là sự ảnh hưởng của Thủ Ấn, Phật Vũ, Đàn Thành của Tây Tạng. Trãi qua hơn 500 năm tu chỉnh cho đến đời Nhà Minh Phật Giáo Trung Quốc mới tập thành nghi thức thí thực gồm các bản như: [Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Khoa Nghi]; [Tu Tập Du Dà Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi] của ngài Thiên Cơ. [Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ] của ngài Liên Trì Đại Sư. Thời Thanh niên hiệu Khang Hy thứ 32 (1639) ngài Đức Cơ hiệu đính tập thành bộ [Du Già Diệm Khẩu Thí Thực TậpYếu], bộ [Du Già Thí Thực Nghi Quán] của ngài Phước Tụ, bộ [Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Soạn Yếu Nghi Quỹ].v.v…Nghi thức Đàn Tràng Chẩn Tế của Phật Giáo Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Phật Giáo Việt Nam ngày nay đều sử dụng khoa [Du Dà Diệm Khẩu] của Trung Quốc.

Pháp lập Đàn kết giới của Đàn tràng Chẩn tế so với Pháp kết Giới của Giới Đàn phức tạp hơn nhiều. Nguyên nhân ở chỗ Giới Đàn chỉ lập cương giới để truyền giới, Đàn Chẩn Tế kết giới là thiết lập một thế giới mới, cụ túc phước báo trang nghiêm như cõi Phật Tịnh độ A Di Đà để tiếp dẫn thập loại chúng sanh nhập Phật pháp giới và chính từ thế giới Hóa Thành Dụ này là cầu nối để đưa chúng sanh đến Hội Liên Trì.

Một điểm khác biệt nữa, kết Giới Trường lấy góc làm điểm như: " từ góc Đông Nam đến góc Tây Nam, từ góc Tây Nam đến góc Tây Bắc, từ góc Tây Bắc đến góc Đông Bắc kết ba vòng thành Cương Giới…".

Kết giới của Đàn tràng lại lấy năm hướng, chánh Đông chánh Nam, chánh Tây, chánh Bắc và Trung Ương, Đàn này được gọi [Ngũ Phương Đàn]. Nếu như kết [Cửu Châu Đàn] thì kết thêm bốn góc của Ngũ phương. Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc. Đại đàn Chẩn Tế thường phải kiến lập Tam Đàn: [Ngoại Đàn], [ Nội Đàn] (Thai tạng thế Giới) và [ Mật Đàn] (Kim Cang Pháp Giới).

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức