Xuất hiện nhiều chủng cúm
Tại cuộc họp, PGS.TS.Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Nhận định này dựa trên kết quả giám sát và chủ động xét nghiệm hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng thời gian qua, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm gần 20.000 mẫu gia cầm lấy tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh thành phía Bắc đều âm tính với virus cúm A/H7N9. Về cúm A/H5N1, từ đầu năm 2014 đến nay, phát hiện 2 trường hợp mắc và đều tử vong. Trong khi đó, cả nước hiện có 64 ổ dịchcúm A/H5N1 trên gia cầm; nguy cơ dịch bệnh lây sang người bùng phát bất cứ lúc nào.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các ngành, các cấp phải cùng chung tay, chủ động phòng chống dịch bệnh
Liên quan đến dịch cúm A/H7N9, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại, việc đóng cửa chợ gia cầm sống ở Quảng Đông, Quảng Tây đã tạo ra một lượng lớn gia cầm cần tiêu hủy, điều này xuất hiện nguy cơ gia cầm đó được chuyển sang Việt Nam. Để ngăn chặn việc vận chuyển trái phép là vô cùng khó khăn và đó là trách nhiệm không chỉ của một ngành mà phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và chính quyền cơ sở.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để chống được nhập lậu gia cầm và gia cầm mang mầm bệnh từ các nước vào Việt Nam từ đó mang theo cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 trên người, cùng với các bộ, ngành trung ương, không chỉ các địa phương giáp biên giới mà các địa phương khác cần tăng cường giám sát trên cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ nhằm kịp thời phát hiện, cách ly ngay từ cửa khẩu các mầm bệnh. Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây sẽ có 5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương ở những tỉnh có biên giới đường bộ, hàng không, đường sắt có khả năng nhập gia cầm.
Không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, hậu quả sẽ nặng nề...
Về dịch sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành phố, Bộ Y tế nhận định đây là bệnh lành tính nhưng nếu chủ quan thì tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao. Nguyên nhân xảy ra dịch sởi, ngoài chu kỳ 3 - 5 năm lại tái diễn còn do ở vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phía Bắc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Do đó, nhằm kiểm soát dịch sởi, khống chế dịch sởi, giảm số ca mắc và biến chứng do sởi, từ nay đến tháng 4/2014, Bộ Y tế sẽ triển khai Kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi trên toàn quốc. Theo đó, đối tượng tiêm vaccine sởi đợt này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo quy định. Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đợt này sẽ tiêm vaccine sởi cho hơn 95% các đối tượng nêu trên. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có lẽ chúng ta phải duy trì lại phương thức tiêm chủng ở thời kỳ đầu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng là ngoài việc tiêm chủng thường xuyên định kỳ hàng tháng, ngành y tế sẽ duy trì đội tiêm phòng di động, mang vaccine đến từng xã, rồi đến từng thôn bản, thậm chí đến từng nhà dân để tiêm cho trẻ em, vì tại vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phía Bắc, có nơi nhà dân cách điểm tiêm chủng hơn chục km và chỉ có thể đi bộ, phải mất nửa ngày, thậm chí cả ngày mới đến nơi.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, từ nay đến hết tháng 4/2014 Bộ Y tế sẽ triển khai Kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi trên toàn quốc
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, việc bùng phát dịch sởi trên diện rộng hiện nay là một minh chứng cho thấy, khi chúng ta lơ là, không đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ thì hậu quả của những năm sau là dịch bệnh sẽ bùng phát. Thực tế này không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho ngành y tế mà còn là của cả xã hội cần phải nâng cao trách nhiệm trong công tác tiêm chủng, phòng chống dịch. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, không có ngành y tế của bất kỳ đất nước nào, dù là của nước phát triển có thể khẳng định không để xảy ra sai sót chuyên môn, sự cố tiêm chủng, tuy nhiên chúng ta cần làm tốt hơn công tác này để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót.
Về phòng chống dịch cúm ở người, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng như các địa phương không được chủ quan, lơ là mà cần phải vào cuộc quyết liệt để nâng cao công tác phòng chống dịch, trong đó quan trọng là giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virut cúm mới, sẵn sàng các tình huống, cấp độ cụ thể và trách nhiệm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc tuyên truyền về dịch bệnh cần cụ thể, đúng mức để nhân dân không hoảng hốt, không tẩy chay gia cầm nhưng phải cảnh giác cao độ với dịch bệnh này.
Bình luận của bạn