Nghị lực sống của chàng trai bại liệt bẩm sinh chỉ cao 90cm

Có mặt tại gia đình em vào buổi chiều muộn. Khi cô Nguyễn Thị Nởi vừa nấu cơm xong đang bế Sáng từ dưới bếp nên. Nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm trên chiếc áo đã bạc màu và thân hình thấp bé, nhỏ thó với đôi chân và đôi tay tật nguyền của Sáng, khiến cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Vừa đặt Sáng ngồi tạm xuống chiếc chiếu trước hiên nhà, cô Nởi ngậm ngùi cho biết: "Bằng tuổi này, đứa nào ở trong thôn, ngoài xã cũng được cắp sách tới trường học, được đi lại vui chơi. Thế mà Sáng nhà cô lại thế này đây…cháu ạ!". Câu nói của người mẹ nghèo suốt 17 năm phải bế ẵm, chăm sóc và đưa đón con 4 buổi tới trường khiến cho ai có mặt ở đó cũng phải cảm động.


Thành tích học tập đáng nể của Sáng

Vừa xoa đôi bàn tay đen đúa, thô giáp và chai sạn lên thân hình co cắp của con. Cô Nởi cho biết: Cháu Sáng sinh năm 1997. Lúc mới sinh, chân của Sáng có hình lưỡi liềm, còn hai tay không nhấc lên được mềm nhũn. Khi được 1 tuổi, Sáng không biết ngồi, chân và tay không cử động được, còi xương chậm lớn và suốt ngày quấy khóc. Đặc biệt hai tay, hai chân có hiện tượng sưng phù nề và khi chạm nhẹ dẫn đến gẫy xương. Sau khi đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được các bác sĩ kết luận: Sáng bị bệnh gẫy xương bệnh lý.


2 chân, 2 tay của Sáng có hình lưỡi liềm từ lúc mới sinh ra.

Biết được bệnh tình của con, hai vợ chồng cô Nởi như chết lặng. Ngôi nhà vốn đã nghèo, nay được tin con bệnh trọng gia cảnh của cô Nởi càng túng quẫn hơn. Xác định bệnh của con không khỏi và không thể chữa được. Nhưng làm mẹ không ai lỡ nhìn con sống thoi thóp bệnh tật hành hạ từng ngày. Nuốt nỗi đau vào lòng, hai vợ chồng cô chú đi vay mượn, bán tất cả những gì có thể để có tiền chữa trị bệnh cho Sáng.

17 năm qua, vợ chồng cô Nởi đã không biết bao nhiêu lần đi bệnh viện để chữa bệnh cho Sáng. Hết lên Hải Dương, Hà Nội. Chữa tây y, đến việc đi về các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn để chữa bệnh đông y, châm cứu. Hễ chỗ nào thấy có thuốc tốt, thầy hay, hai vợ chồng cô lại bế Sáng đi chữa.

Vì gia cảnh khó khăn, túng quẫn giờ đây lại phải đối mặt với căn bệnh nan y của Sáng, chú Bùi Quảng Xương phải rời bỏ ngôi nhà và đứa con bệnh tật đi Quảng Ninh, Hải Phòng làm thợ xây. Cứ 1 tháng, chú chỉ tranh thủ về nhà nửa ngày để mang tiền về chữa bệnh cho con. Đã lâu lắm rồi, mọi người dân ở xóm ven sông Luộc thôn Văn Minh này đã quen cảnh, một người mẹ nghèo gương mặt buồn tủi hằng ngày bế con đi chữa bệnh tứ phương.

Đến tuổi đi học, biết con mình không có sức khỏe để đến trường và gia đình neo người không có người đưa đón. Nhưng người mẹ nghèo ấy không đành lòng để con ở nhà bị bệnh tật hành hạ héo mòn quyết cho con đi học. Biết mình không được may mắn như các bạn khác và không để bố mẹ buồn lòng, Sáng quyết tâm cao trong học tập. Đền đáp lại công ơn nuôi dưỡng đó, 9 năm học qua Sáng luôn đạt học sinh giỏi toàn diện của trường, 4 năm được vào đội tuyển học sinh giỏi. Học hết lớp 9, sức khỏe của Sáng ngày càng yếu, nhiều hôm đi học về em không thở được và không ăn uống được gì. Thương con, nhưng không đành lòng để con bỏ học.

Tháng 8/2014, Sáng trúng tuyển vào trường THPT hệ công lập, nhưng đến lúc này sức của em đã kiệt và sức khỏe của cô Nởi cũng không thể gánh được. Thương mẹ và gạt nước mắt để bỏ ước mơ, Sáng đành ở nhà. Hiện tại, Sáng đã 17 tuổi nhưng chỉ nặng có 15 kg, cao 90 cm, không đi lại được và luôn có người bế ẵm, chăm sóc. Nếu bế không khéo chỉ cần động mạnh vào người, Sáng có thể bị gãy xương. Đặc biệt, trước ngực của Sáng xuất hiện khối u to bằng chiếc bát con khiến cho em khó thở và khó mặc quần áo.


Người mẹ nghèo và ước mơ của chàng trai tật nguyền

Có mặt tại gia đình em Sáng, ông Nguyễn Đức Minh - Trưởng thôn Văn Diệm ngậm ngùi cho biết: "Trường hợp cháu Sáng địa phương chúng tôi đã biết và báo cáo lên cấp trên. Địa phương chẳng giúp gì được ngoài động viên là chính anh ạ."

Cô Trần Thị Thoan, hoàng xóm nói giọng buồn rầu: "Khổ thân thằng bé, thông minh học giỏi nhất làng mà lại bị bệnh tật hành hạ. Quanh năm suốt tháng chẳng khi nào gia đình được quây quần, đoàn tụ. Nghĩ mà thương quá cháu ạ!"

Lật giở từng xấp giấy khen, Sáng buồn rầu cho biết: "Em buồn lắm anh ạ! Nhìn các bạn được đi học em chỉ muốn khóc thôi. Nhưng biết làm sao được…". Câu nói của em làm cho chúng tôi không cầm được nước mắt. Ngày còn đi học Sáng rất thích môn tin học và bây giờ khi không còn ngồi trên ghế nhà trường, Sáng vẫn luôn say mê tìm tòi môn học này và em đang thực hiện dự án tự học tin học để sau này trở thành một lập trình viên. Thấy con say mê tin học, vợ chồng cô Nởi lại thương con nhiều hơn. Hai vợ chồng cô nhắm mắt đi vay nặng lãi lấy tiền mua cho Sáng chiếc máy tính để em tự học. Hơn một năm tự học, tự sáng tạo, Sáng đang thực hiện làm phần mềm dành cho những người khuyết tật. Nhưng hiện tại em không thể thực hiện được vì không có kinh phí và sức khỏe của em rất yếu. Những lúc mệt quá em lại thiếp mê man mấy ngày không ăn, không uống.


Ước mơ trở thành lập trình viên là động lực giúp Sáng vượt qua bệnh tật.

Bế Sáng trên tay tiễn chúng tôi ra cổng khi cái nắng oi ả đã có phần dịu mát hơn khi được đón nhận những con gió mát lành từ dòng sông Luộc ua về. "Vợ chồng cô chỉ mong sao có một tổ chức tin học khuyết tật nào đó nhận cháu vào học, làm việc thôi cháu ạ!" - Cô Nởi chia sẻ. Chào tạm biệt gia đình, chúng tôi còn thấy Sáng cố gọi với phía sau: "Lần sau anh về, em nhất định cho anh xem sản phẩm phần mềm em tự làm, anh nhé!".

Mọi sự giúp đỡ em Sáng xin gửi về: Cô Nguyễn Thị Nởi, xóm Đê, thôn Văn Diệm, xã Hưng Thái, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. SĐT: 0989494438.


Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội