Thư pháp Việt là sự kết hợp độc đáo, “phần hồn” của phương Đông vào mẫu tự Latin của phương Tây
Náo nức đi xin chữ ông đồ ngày mùng 1 Tết
Tết đến xuân về xin chữ gì may mắn cả năm?
4 ông đồ viết chữ đẹp nhất miền Bắc
"Thầy đồ xịn" đắt hàng đầu năm
Việt Nam xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà thầy đồ hay chững người hay chữ để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần.
Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính chúc tụng,giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là thư pháp. Thư pháp là phương pháp viết chữ (đẹp).
Thư pháp là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa và đã được Nhật, Triều Tiên, Việt Nam âm thầm chấp nhận và lặng lẽ duy trì. Thư pháp Việt Nam bao gồm hai dòng: Thư pháp Hán – Nôm và thư pháp chữ Việt.
Dưới đây xin luận bàn về thư pháp chữ Việt.
Thư pháp chữ Việt được bắt đầu khoảng 30 năm gần đây. Đây là sự sáng tạo đáng trân trọng, mang âm hưởng nguồn cội, là sự nối tiếp kế thừa của thư pháp truyền thống. Cách trình bày, bố cục cũng giống như thư pháp chữ Hán. Nội dung chủ yếu được thể hiện là lời hay ý đẹp, tư tưởng đạo đức, nhân văn…
Thư pháp Việt có 5 kiểu chữ chính: Chữ Chân phương, chữ Cách diệu, chữ Cá biệt, chữ Mô phỏng, chữ Mộc bản.
Chữ Chân phương hay còn gọi là Chân tự, là cách viết rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường.
Chữ Cách diệu, tạm gọi là Biến tự, là cách biến đổi từ chữ Chân phương mà ra, nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra phong cách riêng.
Chữ Cá biệt, tạm gọi là Cuồng thảo, là lối viết thư pháp mà người phóng bút “nhiếp tâm” giữa tư tưởng và quản bút. Lối viết chữ này thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ này, người xem dễ biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ này thường viết liền lạc trong một nét nên khó đọc.
Chữ Mô phỏng là lối viết mô phỏng dựa theo kiểu chữ của nước ngoài. Có người viết chữ Việt nhìn giống chữ Hán, chữ Ả Rập…
Chữ Mộc bản là kiểu chữ giống như chữ khắc trên mộc hoặc như kiểu thợ sắp chữ của nhà in mà khi viết thì theo một phương pháp đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu.
Ngoài ra, trong một số thư pháp còn có hình ảnh minh họa về thiên nhiên, trong đó phần tranh có thể chiếm khoảng không gian lớn hơn phần chữ. Với đặc trưng này thư pháp trở thành Thư họa.
Có người cho rằng: Trong nghệ thuật viết chữ đẹp, xét về phương diện hình họa, chữ Hán khơi nguồn tượng hình vô cùng đa dạng, kỳ thú viết mà như họa, họa cũng như viết nên mới có nghệ thuật thư pháp, thư họa. Còn chữ Việt có nguồn gốc là chữ Latin, ký tự âm thanh nên không có khả năng biểu thị như vậy.
Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa khác nhau, mỗi dân tộc khác nhau sẽ có thẩm mỹ nhìn nhận và đánh giá cái đẹp khác nhau. Nghệ thuật thư pháp tôn vinh giá trị hệ thống văn tự từng dân tộc, là cốt cách đặc sắc của thẩm mỹ - triết học Á Đông. Thư pháp Việt là sự kết hợp độc đáo, “phần hồn” của phương Đông vào mẫu tự Latin của phương Tây, tuy còn non trẻ nhưng vẫn mang âm hưởng nguồn cội và truyền tải được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Thư pháp Việt Nam – hành trình không ồn ào nhưng trải qua nhiều thăng trầm, thử thách và giờ đây ngày càng được nhiều người yêu mến.
Bình luận của bạn