Nổi mề đay, sần ngứa, hắt hơi liên tục gây xung huyết mũi là những triệu chứng dị ứng khiến thai phụ càng thêm mệt mỏi. Chị Mai, 27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM đang mang thai ở tuần 32, chia sẻ: “Tôi ngứa ghê lắm nên cứ gãi hoài khiến da bị trầy xước, từ đỏ chuyển sang thâm đen. Tôi không dám uống thuốc điều trị vì lo ảnh hưởng đến thai nhi nên cứ chịu đựng thế”.
Khi triệu chứng dị ứng khiến bạn khó chịu, nên đến bác sĩ nhờ tư vấn thuốc uống để cải thiện tình trạng
Một số triệu chứng dị ứng nhẹ, có thể nhanh khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, khi các triệu chứng quá nặng gây khó chịu cao độ, bạn nên dùng thuốc điều trị dị ứng. Song, bạn phải có sự tư vấn của bác sỹ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc dù thuốc không kê toa (thuốc OTC).
Theo Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), thuốc dùng cho thai phụ nói chung được phân theo các cấp độ và màu sắc A, B, C, D và X (thứ tự theo màu xanh - blue, xanh lá cây - green, vàng - yellow, đỏ - red và đen - black). Trong đó, A là thuốc không gây nguy cơ bất thường cho thai nhi (màu xanh - blue); B là thuốc đã có nghiên cứu cho thấy không có tác hại cho thai trên động vật. (xanh lá cây - green); C là thuốc có tác dụng phụ cho thai. (vàng - yellow); D là có nguy cơ cho thai nhi, được bác sỹ chỉ định khi cân nhắc giữa lợi ích của thai phụ và thai nhi (đỏ - red); X là thuốc gây bất lợi cho thai (đen - black)
Mỗi loại thuốc lại có những thành phần mà chỉ có người có chuyên môn y khoa mới hiểu hết tác dụng của nó với bà bầu và thai nhi. Vì vậy, các bà mẹ mang thai cần đến gặp bác sỹ ngay khi có vấn đề (không riêng gì đối với bệnh dị ứng). Bác sĩ là người cân nhắc và quyết định dùng hay không dùng thuốc. Thông thường, các bác sĩ sẽ căn cứ dựa trên lợi ích của thai phụ và thai nhi để đưa ra quyết định.
Bình luận của bạn