Đã rất lâu, chị X.Y phải sống chung với những nỗi ám ảnh kỳ lạ khiến cuộc sống của chị và người thân trong nhà bị đảo lộn. Đầu tiên, chị có một nỗi sợ khó hiểu với những viên pin và những vật dụng có chứa pin. “Chỉ cần gần đó có cái điện thoại, cái remote tivi hay bất cứ vật dụng sử dụng pin nào, nữ bệnh nhân này đều tỏ ra sợ hãi” - vị bác sĩ tâm thần đang điều trị cho chị kể lại.
Kiệt sức vì giấc mơ xấu
Nỗi sợ thứ hai của chị là vi trùng. Chị nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Khách đến nhà chơi, vừa bước ra về, chị đã vội vàng lau sạch bóng những nơi khách ngồi hay chạm tới. Chị còn không cho bất kỳ người thân nào trong nhà sử dụng phòng tắm trong phòng vợ chồng chị. Nữ bệnh nhân này nói với bác sĩ rằng chị biết những hành động của mình là quá nhưng không cách nào kìm lại được. Chị được chẩn đoán bị rối loạn ám ảnh bó buộc mà căn nguyên được cho là từ một sự cố trong quá khứ và những cơn ác mộng.
Sau những cố gắng khai thác của chuyên gia, chị cũng tiết lộ một nỗi sợ đã đeo bám lâu ngày: Nhìn thấy một thi thể chết đuối dưới ao từ ngày còn bé. Chị đã trải qua nhiều năm tháng sống bình thường sau kỷ niệm đáng sợ đó. Tuy nhiên, những năm gần đây, chị lại liên tục mơ thấy khoảnh khắc kinh hoàng cũ, thấy người chết theo mình, nhập vào mình. Cơn ác mộng cứ lặp đi lặp lại khiến tinh thần chị bất ổn và cuối cùng là phát bệnh.
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, một cơn ác mộng có thể là bình thường nhưng ác mộng cứ lặp lại, gây ra những nỗi sợ hãi, lo âu, mệt mỏi thì đó là bệnh. Sự quấy nhiễu liên tục của ác mộng có thể gây ra nhiều chứng rối loạn tâm thần như ám ảnh sợ, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ…, trong đó rối loạn giấc ngủ là thường gặp nhất vì người bị ác mộng thường không có giấc ngủ chất lượng. Điều đó dẫn đến sự mệt mỏi, sa sút thể chất, tinh thần.
Ác mộng cũng có thể đưa đến rối loạn trầm cảm khi đi kèm với một số bất ổn tâm thần khác khiến người bệnh rơi dần vào trạng thái bi quan, từ đó cảm thấy tự ti, khó hòa nhập và sinh bệnh. Các chứng ám ảnh sợ, hoang tưởng… do ác mộng gây ra tùy theo hoàn cảnh cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến lối sống, sinh hoạt, hành vi của người bệnh. Đáng lo nhất là nếu ác mộng đã thành bệnh rồi mà vẫn không được phát hiện và điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ phải đối mặt với các nguy cơ của bệnh tâm thần, tức sẽ nảy sinh những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Cần vượt qua nỗi ám ảnh
Theo ThS Trần Thị Yến Nhi, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, những cơn ác mộng lặp lại tác động tiêu cực đến tinh thần và thể chất thường bắt nguồn từ một sự cố, một vấn đề gì đó trong quá khứ. Có thể sự cố ấy đã “ngủ yên” trong tâm thức người bệnh đã lâu nhưng vô tình họ lại va chạm một vấn đề mới trong cuộc sống nên bị đánh thức, thế là ác mộng lại tìm đến. “Để điều trị cho những người bệnh dạng này, chúng tôi thường dùng biện pháp khơi gợi lại quá khứ để từ đó tìm ra nguyên nhân thực sự khiến họ gặp bất ổn trong thực tại, với đầu mối đầu tiên chính là những cơn ác mộng bệnh nhân đang gặp phải. Với đa số trường hợp, nếu được khơi gợi đúng cách, bệnh nhân sẽ bộc lộ mối lo và được giúp đỡ để giải quyết mối lo ấy thì những cơn ác mộng dần dần sẽ biến mất” - ThS Nhi cho biết.
Theo BS Quang, tùy mức độ ảnh hưởng của những cơn ác mộng, người bệnh và gia đình nên có phương án xử trí hợp lý. Nếu bệnh không quá nặng, bác sĩ hoặc các chuyên viên tâm lý sẽ áp dụng liệu pháp “hành vi và nhận thức” để cải thiện trạng thái tâm thần người bệnh. Còn nếu ác mộng đã làm phát sinh những hành vi tự hủy hoại, gây hấn, hoang tưởng, trầm cảm nặng nề… thì nhất thiết người bệnh cần đến BS tâm thần, không chỉ để dẹp tan cơn ác mộng mà còn chữa những rối loạn tâm thần bằng thuốc men và các liệu pháp tâm lý chuyên ngành.
“Tốt nhất là khi bị ác mộng quấy rầy liên tục và bắt đầu cảm thấy nó ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất, người bệnh nên đi khám sớm, đừng để sinh ra rối loạn tâm thần rồi mới chữa” - BS Quang lưu ý.
Dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết một nhóm người cũng hay gặp ác mộng nữa là những người bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Đây là dạng bệnh lý tâm thần thường xuất hiện sau sự cố từ 1 tháng trở lên do “ký ức buồn” bị khơi dậy, thậm chí có người nhiều năm sau mới phát bệnh. Khi PTSD tìm tới, người bệnh sẽ thường xuyên bị ám ảnh bởi hồi ức đau buồn cũ, trong đó có những cơn ác mộng lặp lại. Tuy bản chất PTSD cần nhiều yếu tố nữa để xác định nhưng những cơn ác mộng về quá khứ là một chỉ báo đáng lưu tâm. |
Bình luận của bạn