Điểm bơm vá xe của anh Trần Viết Hùng ở ngã tư đường Hà Huy Tập – Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã quen thuộc với hàng nghìn học sinh và người khuyết tật. Chủ tiệm là người đàn ông 47 tuổi, nước da đen sạm vì nắng gió, lúc nào cũng tất bật với cà lê, mỏ lết mưu sinh và làm việc thiện.
Tiệm sửa xe vỉa hè của anh Hùng với tấm biển giúp đỡ cho học sinh, người khuyết tật. Trưa mùng 4 Tết, em Trương Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 ghé quán bơm xe và chúc Tết anh Hùng. Ảnh: Nguyễn Đông
Chỉ tay về tấm biển ghi số điện thoại cùng dòng chữ "Bơm, vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật", anh Hùng giải thích: "Ngày trước tôi vẫn thường bơm, vá xe không lấy tiền. Nhưng nhiều cháu học sinh lỡ bị thủng xăm vất vả dắt chiếc xe xịt lốp đi qua mà không dám ghé vì không mang tiền theo, nên tôi mới để tấm biển này". Những người bán vé số ghé quán cũng được chủ nhân lắc đầu trả lại tiền công, bởi với anh Hùng đã phải bán vé số thì giàu có gì.
Đến giờ, anh không nhớ đã giúp cho bao nhiêu người lỡ bị hỏng xe, chỉ biết mỗi tháng có trên 500 lượt học sinh ghé quán để bơm, vá xe miễn phí. Nhiều nhất vẫn là học sinh các trường cách quán của anh chừng vài trăm mét. "6 năm nay cháu vẫn thường ghé quán của chú Hùng và được bơm hơi miễn phí, bọn cháu quý chú ấy lắm!", em Trương Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Thái Phiên, nói.
Có hôm thấy người khuyết tật nặng nhọc với chiếc xe đẩy xịt hơi, anh chạy lại phụ đẩy về quán mình sửa chữa. Theo anh, nghề nào cũng có duyên, có nợ cả nên luôn tự nhủ mình cũng đâu giàu hơn nếu lấy mỗi em học sinh một hai ngàn đồng. Còn người tàn tật thì mình không có tiền giúp, đành góp chút ít cho họ còn dành dụm tiền mua thuốc uống, bởi dù sao mình cũng may mắn hơn nhiều người.
Không có tiền thuê mặt bằng, anh mượn tạm vỉa hè trước một công ty, nhưng chỉ được làm việc từ khoảng 17h chiều đến 2h sáng hôm sau. Nghề sửa xe anh mày mò tự học. Ngày thường kiếm vài chục nghìn phụ vợ bán quán ăn để nuôi con, ngày nào đông khách anh cũng chỉ kiếm được gần 100.000 đồng.
Dịp Tết Nguyên đán, quán nhỏ của anh Hùng mở cửa từ tờ mờ sáng đến quá nửa đêm. Sợ nhiều người du xuân bị hỏng xe dọc đường, không có người sửa nên anh làm xuyên ba ngày Tết. Phần vì muốn kiếm thêm chút đỉnh vì gia đình không dư dả và giúp những người đi đường không bị lỡ chuyến du xuân, phần vì đầu năm công ty còn nghỉ làm nên anh được ở đó cả ngày.
Ngày Tết, công việc của anh Hùng bận rộn hơn. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhiều hôm anh Hùng chuẩn bị đóng cửa quán, có người dắt xe đến kêu vá, anh lại vui vẻ làm đến khi xong mới thôi. Sửa xe cả ngày, tối mịt anh mới trở về căn nhà nhỏ ở tổ 52, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê). Gọi là nhà, nhưng thực ra vợ chồng anh cùng 3 đứa con đang phải sống nhờ trong căn hộ của mẹ đẻ được thành phố cấp.
Bữa ăn trưa mùng 4 Tết của anh là tô mì có thêm vài lát chả bò được vợ tất tả mang lên. Chị Hoàng Thị Phượng, vợ anh, tâm sự dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng hai vợ chồng luôn sống vui vẻ nhờ lời cảm ơn của các em học sinh và nụ cười của những người khuyết tật được anh vá xe miễn phí. Gánh bún rong của chị cũng thường bán miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi gia đình ở.
Lúc rảnh rỗi, chị Phượng phụ chồng bơm vá. Sửa xe ngay gần ngã tư, anh chị chứng kiến nhiều tai nạn xảy ra. Có hôm, cả hai vợ chồng bỏ việc chạy ra phụ đỡ xe, thoa dầu cho người gặp tai nạn hoặc chở đến bệnh viện cấp cứu. Không ít lần, anh Hùng trở thành trọng tài bất đắc dĩ phân xử đúng sai, hay cương quyết giữ người gây tai nạn đòi bỏ trốn. Nhưng rồi việc nghĩa hiệp anh làm vướng không ít phiền phức.
Cuối năm vừa rồi, có người thanh niên lái xe máy tốc độ cao tông vào một phụ nữ đi đường. Anh ta không chịu bồi thường mà còn lớn giọng nạt nộ vợ chồng anh Hùng "Ông bà biết cái chi mà can thiệp vô". Người đàn ông vá xe điềm tĩnh trả lời "Anh nói thế là không được. Ở đây có mọi người chứng kiến, anh sai mà không bồi thường, định bỏ chạy thì tôi báo công an", khiến người thanh niên tái mặt, phải ở lại giải quyết xong việc rồi mới được đi.
Biết anh làm việc thiện, nhiều người xung quanh còn phụ anh bơm xe cho học sinh, người tàn tật khi quán đông khách. Ông Võ Bê, lái xe ôm ngay cạnh nơi anh Hùng sửa, vá xe cho hay: "Nhà Hùng cũng cực, nhưng được cái tốt bụng nên dù sống bám ở vỉa hè cũng không mất lòng ai. Với người nghèo như chúng tôi, chia sẻ công việc với nhau cũng là niềm vui".
Nghe người bạn xe ôm nói, anh Hùng chỉ cười gạt đi: "Tiền bạc mình chẳng có, nhưng sống tình cảm thì đời luôn vui tươi".
Bình luận của bạn