Ở xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam còn một vài hộ gia đình sống trên ghe. Hầu hết họ đều đã gắn bó với chiếc ghe từ lúc mới lọt lòng. Hơi thở của sông nước đã ngấm vào máu thịt nên ước nguyện của họ là muốn sống đời với ghe.
Mấy chục cái Tết trôi qua trên sông nước của họ dẫu tẻ nhạt nhưng vẫn vui vầy, ấm cúng.
Hơn mười năm trước, nếu có ai đi dọc sông Thu Bồn ắt sẽ bắt gặp những xóm vạn đò nằm dọc bên bờ sông ở các địa danh Tý, Sé, Đá Ngang mãi đến Hòn Kẽm Đá Dừng thuộc xã Quế Lâm. Không biết những xóm vạn đò bắt đầu từ đâu nhưng lúc đó, nó khiến những bến sông luôn rộn rã, í ới tiếng hàng xóm gọi nhau trên ghe. Họ ở ghe vài chục năm trời với đủ nghề đơm cá, chèo đò đưa khách, vận chuyển hàng hóa… Sau đó, chính quyền địa phương đã vận động dân vạn đò di dời lên bờ. Những xóm vạn đò ở các bến sông dần biến mất. Bây giờ, chỉ còn những người hiếm hoi ở lại sống đời vạn đò bởi họ đã quen với hơi thở của sông nước.
Trong khi trên bờ rộn rã không khí đón chào năm mới thì vợ chồng ông Mai Thùng (85 tuổi, ngụ làng Tứ Trung 1, xã Quế Lâm) lại tất bật với dụng cụ làm tôm dưới bến Đầu Cồn nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Ông Thùng chuẩn bị dụng cụ cho một buổi thả nhá (dụng cụ làm tôm) bắt tôm sông đi bán. Ông không nhớ rõ gia đình có bao đời sống ở thượng nguồn sông Thu Bồn nhưng từ lúc lọt lòng, ông đã gắn bó với chiếc ghe và dòng sông quen thuộc này.
Ông Mai Thùng - người có 85 năm mưu sinh trên ghe - cùng bà vợ
Ở tuổi 85, ông đã có đến ngần ấy cái Tết trên ghe. “Ngày xưa thì Tết đến, nhà này dùng ghe nhỏ bơi sang nhà kia để thăm hỏi, chúc Tết. Giờ chỉ có mỗi ghe tôi trơ trọi ở bến sông này. Muốn chúc Tết ai phải đi bộ vào bờ. Làng ngoài ghe khi xưa giờ di chuyển hết lên bờ rồi” – Ông Thùng trải lòng.
Bà Phạm Thị Bảy, vợ ông Thùng, vừa đưa tay nhóm lại bếp lửa pha trà cho khách vừa cười: “Vợ chồng già rồi, đi đâu cũng khổ. Thôi thì cứ ở trên ghe, thích đi đâu cứ chèo đi rồi lại chèo về. Tết sống trên ghe thì coi như nhà chẳng có khách khứa gì. Chỉ có mấy đứa con nó đến thăm cha mẹ thôi”.
Hai vợ chồng ông Thùng đón Tết trên ghe chỉ với 1 kg thịt heo ngâm mắm, vài kg bánh tráng và không có mứt, bánh. “Gọi là ăn Tết nhưng chỉ đơn giản là như rứa đó. Tết đến con cái trên bờ cứ gọi cha mẹ vào ở cho vui cửa vui nhà nhưng vào chơi ít thì được, chứ ở lâu thì không quen, ngứa tay ngứa chân lại muốn trở ra ghe” – Ông Thùng tâm sự.
Xóm vạn đò trên sông Thu Bồn ngày xưa tấp nập bao nhiều, giờ vắng tanh bấy nhiêu
Quá tuổi 80 nhưng ông Thùng vẫn còn khỏe mạnh và tinh tường. Trong cái rét nhẹ đầu xuân, ông vẫn xắn cao ống quần, dầm mình trong nước để đẩy ghe ra khỏi bờ để chuẩn bị cho buổi thả nhá tôm. Mỗi chiều, vợ chồng ông chèo ghe đi thả khắp một khúc song, khoảng hơn 3 giờ là trở về. Đến sáng sớm lại lục đục dậy để lấy lên và thu tôm. “Chừng ngày được khoảng dưới 1 kg, có khi chỉ vài lạng. Bán lại cho dân ở bờ rồi dùng mua gạo, mắm, thức ăn… Vợ chồng tôi sống nhờ sông nước rứa đó” – bà Bảy “khoe”.
Nằm cách bến sông vợ chồng ông Thùng neo đậu là một gia đình nhỏ của ông Huỳnh Trọng (49 tuổi, ngụ thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm). Khi chúng tôi đến nơi, vợ con ông Trọng đã lên bờ để thăm hỏi người thân, chỉ còn ông ngồi trên chiếc ghe nhỏ. “Ở ghe thì không cần sắm sửa gì nhiều cũng không cần trang trí. Chỉ có mua mấy kg thịt về vợ chồng con cái ăn với nhau cho có không khí Tết là vui rồi” – Ông Trọng bộc bạch.
Ông Trọng bên ấm trà ngày cuối năm với chiếc ghe làm nhà của mình
Trước đây, gia đình ông Trọng cũng sống ở bờ. Đến tuổi lấy vợ, không có đất dựng nhà nên ông bàn với vợ mua một chiếc ghe vừa làm phương tiện mưu sinh vừa ở cho tiện. Thế rồi hơn hai mươi năm qua, vợ chồng ông Trọng vẫn lấy ghe làm nhà, sống và sinh 2 người con trên chiếc ghe đó. “Mấy dạo khi đường sông còn thông thương, vợ chồng tôi chở khách đi lại cũng kiếm được chút tiền. Giờ đường bộ mở ra nhiều nên đường sông vắng hẳn” – Ông Trọng than thở.
Ông cho hay đang cùng vợ tích góp tiền để mua đất dựng nhà ở bờ rồi chuyển lên sống ở đó để con cái có tương lai. “Đi đâu thì đi chứ chiếc ghe này vẫn là tài sản vô giá của vợ chồng tôi. Chúng tôi sẽ không bán đi mà neo đậu nó ở khúc sông này” – Ông Trọng trải lòng.
Bình luận của bạn