BHYT có thực sự công bằng?


Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sau hơn 3 năm đi vào đời sống đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia, nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập. Trước thực tế đó, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6 này. Sửa đổi quy định về thanh toán KCB trái tuyến.

Theo BS. Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, bản thân việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT đã hướng tới mục tiêu xây dựng cơ chế tài chính bền vững để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, sửa đổi quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến cũng là một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu trên.

Theo BS. Hương, thời gian qua, quy định về thanh toán BHYT đối với trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến được người dân ủng hộ, nhất là trong điều kiện thực tế, chất lượng KCB hiện nay còn hạn chế, giá dịch vụ y tế thấp và không chênh nhau nhiều giữa các tuyến. Tuy nhiên, quy định này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng KCB vượt tuyến tiếp tục gia tăng, gây quá tải ở tuyến trên và khó kiểm soát chi phí đối với các cơ sở tuyến dưới. Bổ sung thêm thông tin, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam nhấn mạnh, dưới góc độ tài chính, kinh tế, người KCB trái tuyến vẫn được BHYT chi trả với mức thanh toán chi phí KCB khá cao, nên dù khám trái tuyến nhưng người bệnh không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính chi trả khi khám vượt tuyến. Đây cũng là một trong những lý do khiến số bệnh nhân KCB vượt tuyến tiếp tục gia tăng.

Theo phân tích của ông Sơn, chẳng hạn, cùng một loại bệnh, ở BV tuyến huyện tổng chi phí điều trị chỉ khoảng 300.000 đồng, nhưng nếu điều trị ở tuyến Trung ương có thể lên tới 2 triệu đồng. Khi đó, mức 30% chi phí mà họ được BHYT thanh toán cho trường hợp vượt tuyến còn lớn hơn cả tổng chi phí nếu điều trị ở tuyến dưới. Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT đã đề cập tới vấn đề làm sao đưa điều trị trái tuyến vào đúng quỹ đạo để phục vụ người bệnh tốt hơn và tránh việc quá tải do bệnh nhân đổ dồn lên các BV tuyến trên.

Đảm bảo công bằng trong bảo hiểm y tế 1
Bệnh nhân BHYT được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao. Ảnh: TM

Các ca bệnh điều trị nội trú trái tuyến, vượt tuyến sẽ được thanh toán BHYT?

Theo quy định của Luật BHYT hiện nay, bệnh nhân có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến (trừ trường hợp cấp cứu) được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh ở mức 30% đối với BV hạng I và hạng đặc biệt, 50% đối với BV hạng II, 70% chi phí đối với BV hạng III và chưa xếp hạng.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt người bệnh khám vào năm 2010 lên 9,5 triệu lượt năm 2011 và lên 11,6 triệu lượt năm 2012. Một số BV tuyến huyện phải sử dụng 50%, thậm chí trên 70% Quỹ KCB BHYT của huyện để chi trả cho KCB trái tuyến, vượt tuyến trong khi không thể kiểm soát được phần chi phí này.

Do đó, đối với vấn đề thanh toán KCB BHYT trái tuyến, vượt tuyến, dự thảo sửa đổi, bổ sung của một số điều của Luật BHYT lần này đề xuất Quỹ BHYT sẽ chi trả tất cả trường hợp KCB BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú. Còn với người đi khám ngoại trú thì Quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh do Bộ Y tế quy định. Ngoài ra, trước đó, cũng có một số ý kiến đã đưa ra phương án sửa đổi theo hướng giảm mức thanh toán chi phí KCB BHYT trái tuyến khoảng 10% so với hiện nay, hoặc Quỹ BHYT chỉ thanh toán một phần đối với trường hợp điều trị nội trú trái tuyến, còn KCB ngoại trú trái tuyến sẽ không được BHYT chi trả.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn