Buông xả ưu phiền - chấp nhặt làm gì cho thêm đau khổ!

Xả là lòng an nhiên tự tại, là một trong những tình cảm cao thượng nhất của đời người

Hạnh hỷ xả trong cuộc sống hiện đại

Những nguyên tắc nuôi dạy con nên Người

Hỏi đáp về đạo Phật: 5 phút thông tỏ

4 ứng dụng Phật giáo trong cuộc sống

Xả là một trong bốn Vô lượng tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả, 4 trạng thái hay còn lại là 4 người bạn của đời người. Xả là lòng an nhiên tự tại, là một trong những tình cảm cao thượng nhất của đời người.

Khái niệm Xả trong Phật giáo nhấn mạnh hai điểm là sự xả bỏ hay chấp nhận sự chuyển biến của sự vật thuộc về vật chất và tư tưởng thuộc về tinh thần. Khi chấp nhận, ta sẽ cảm thấy an vui, hạnh phúc. Khi chấp nhận, tâm tư sẽ được giải thoát không còn sự chấp trước, thoát khỏi sự dao động khuấy nhiễu. 

Buông xả trong cuộc sống đời thường

Hãy tập buông xả với chính mình

Đức Phật đã khuyên rằng, ta là nơi nương tựa của chính ta. Chính bạn đã tạo cho bạn phiền muộn không ít, bạn phải tập buông bỏ những khổ đau trong tâm hồn do chính bạn gây ra. Thực hành buông xả tức là đang tập hạnh từ bi thương yêu.

Buông xả sự sân hận đang giày vò mình mỗi ngày. Buông xả lòng ích kỷ, bởi sự ích kỷ sẽ làm cho tâm hồn bạn nghèo nàn và cô lập với thế giới xung quanh. Muống buông xả lòng ích kỷ, bạn cần phải tập sống đời hy sinh và thương yêu.

Buông xả sự nóng giận. Khi sự nóng giận khởi lên thì bạn khó có thể kiềm chế được những lời nói thiếu hòa nhã và bạo hành có thể sẽ xảy ra.

Buông xả sự kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo sẽ làm cho mọi người chán ghét và xa lánh bạn. Một danh nhân phương Tây đã từng nói rằng: “Tôi gặp bất cứ người nào họ cũng hơn tôi mặt này hay mặt khác”. Một thầy tu sẽ không hiểu biết về chính trị, xã hội bằng một chính trị gia. Ngược lại, chính trị gia chắc chắn sẽ không am tường về đạo như một người tu hành. Chính việc coi thường, miệt thị người khác dẫn đến kiêu ngạo. Đời người ngắn ngủi, kiến thức hạn chế, tài năng cũng chỉ giới hạn trong một lĩnh vực nào đó thôi. Vậy thì có đáng kiêu ngạo để gây thương đau cho chính ta và những người xung quanh hay không?

Buông xả những phiền muộn từ người khác gây ra

Ngoài việc buông xả cho chính mình, bạn còn cần tha thứ cho người khác nữa, nếu họ mang đến sự phiền muộn cho bạn. Nếu bạn ngó lơ, thì sự phiền muộn sẽ không ở lại quá lâu và qua đi rất nhanh. Ngược lại, sự bất an và phiền muộn sẽ càng tăng thêm. Nếu một người thân và bạn xảy ra xung đột, bạn cứ giữ mãi từng lời nói, hành động, cử chỉ khó ưa của họ thì chỉ thêm phiền lòng mà thôi. Thân xác này nhỏ bé lắm, nếu chất đầy những phiền muộn thì sẽ càng trở nên nặng nề thêm.

Buông xả lòng ích kỷ, bởi sự ích kỷ sẽ làm cho tâm hồn bạn nghèo nàn

Có buông xả được thì lòng mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý cũng bỏ qua, không chấp nhặt. Ai làm điều gì xúc phạm cũng tha thứ, nhanh chóng quên đi để tâm được an vui.

Tuy vậy, tập buông xả không có nghĩa là buông bỏ hết, dẹp hết tất cả để chỉ lo cho bản thân mình. Bởi bạn là một thành viên của xã hội này, bạn không thể trốn tránh trách nhiệm của mình với xã hội. Cuộc sống hàng ngày vốn nhiều va chạm và áp lực. Bạn khó có thể tránh khỏi những bất đồng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp… Khi không may xảy ra tranh cãi, bạn có thể không kiềm chế được, dẫn đến nổi nóng, nặng lời. Dù kết quả thế nào thì lòng bạn cũng bị tổn thương và người khác cũng vậy. Thậm chí, nhiều người thắng cuộc vẫn cảm thấy ân hận. Đằng sau cái gọi là chiến thắng, hơn thua, được mất ấy là sự đổ vỡ, là xa cách, là thiếu tôn trọng chỉ vì cái Tôi ngã mạn của mình.

Như vậy, có gì vui mà phải cố chiến thắng cho bằng được, bằng mọi giá? Chỉ cần bạn thay đổi cách giao tiếp, cách ứng xử, nếu nói chỉ nói những lời tử tế, nếu sống chỉ sống ngay thẳng, ôn nhu thì tâm sẽ luôn thanh thản, bình an.

Bạn không thể xóa bỏ quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra, và cũng không thể thay đổi hành vi của người khác. Nhưng bạn có thể buông xả cơn giận, quên đi cay đắng, khổ đau, tập chấp nhận thực tại, sống an hòa với chính mình và với mọi sự xung quanh. Hãy tập trung với giây phút hiện tại và tận hưởng mọi thứ xung quanh. Có thể tập trung vào hơi thở, tưởng tượng mỗi hơi thở ra sẽ mang đi khổ đau, mỗi hơi thở vào là an lạc. Loại bỏ khổ đau, tiếp thêm an lạc.

Dẫu biết là làm được điều này không phải dễ. Nhưng bạn có thể học được. Học mỗi ngày, sống an hòa với mình, với mọi người, dần dần lòng sẽ nhẹ nhàng và an yên hơn.

Xả những oán thù cho lòng được nhẹ nhàng thanh thoát, là cái vui của người thường. Xả những tài sắc, danh vọng… cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc giải thoát. Xả thân mạng để cứu độ chúng sinh, làm cho tất cả chúng sinh được an lạc, đó là cái vui của bậc Bồ tát. Người Phật tử quyết tâm dứt khổ tìm vui, buông xả mọi ưu phiền để tìm hạnh phúc. Buông xả một ngày là một ngày vui. Buông xả một đời là một đời an lạc. Như vậy, vui và khổ không phải do người khác đem đến hay ban cho, mà chính bản thân ta tự tạo lấy. 

“Sống trên đấu trường nhân loại, trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp nê thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát khổ được vui, con người phải gỡ bỏ những mối dây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng mình cho được nhẹ nhàng trong sạch. Phương pháp gỡ bỏ và tẩy trừ ấy là đức hỷ xả” – Hòa thượng Thích Thanh Từ.
An Nhiên H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức