Mahe đã thay đổi cuộc đời James, Metronews viết. Chú chó vốn được đào tạo để trợ giúp người tự kỷ và ở với James từ 2 năm rưỡi trước. Từ ngày đó đôi bạn không thể tách rời. Khi James nhập viện để chụp MRI, Mahe cũng đi theo, nằm chung giường chăm sóc cậu chủ.
Sự hiện diện của Mahe đã xoa dịu tâm trạng James trong lúc chờ xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi Wellington. Do chứng tự kỷ, cậu bé không nói chuyện mà giao tiếp với gia đình qua cử chỉ.
Trước khi Mahe xuất hiện, gia đình James không thể đi đến các quán cà phê. "James rất lo lắng và muốn rời khỏi chỗ đông người ngay lập tức", mẹ bệnh nhi là Michelle nhớ lại. "Từ khi có Mahe, con ngồi yên và chờ chúng tôi uống nốt tách cà phê của mình". Ngoài nhiệm vụ giúp cậu chủ bình tĩnh, Mahe còn bảo vệ James nhờ dây đeo cổ nối liền với thắt lưng bé trai. Nếu James đột ngột chạy ra đường, Mahe sẽ ngồi xuống, bất động để cậu bé không thể đi xa.
Trợ lý 4 chân được đào tạo trong 6 tháng bởi các chuyên gia huấn luyện. Đối với bệnh nhân tự kỷ, sự hiện diện của chó vô cùng hữu ích. "Sự di chuyển và phản ứng đơn giản, dễ hiểu của loài chó giúp trẻ tự kỷ hòa nhập tốt hơn", trang web Autisme Montégérie của Canada nhận định.
"Về lâu dài, các rối loạn hành vi ảnh hưởng đến gia đình và những vấn đề như sự bốc đồng, tăng động, dễ cáu kỉnh và hung hăng ở trẻ tự kỷ sẽ được cải thiện", đội ngũ chuyên gia Canada kết luận. Trong câu chuyện của James và Mahe, tình bạn đẹp chính là chìa khóa.