Đầu xuân đi lễ cầu duyên

Chắp tay ta khấn cầu duyên - Mong cho bao nỗi muộn phiền tan đi (Thơ Bùi Đức Vinh)

Những ngôi chùa danh tiếng về... "cầu duyên"

Đi chùa lễ Phật xưa và nay

Chọn trang phục phù hợp khi đi chùa

Đi đền, chùa như thế nào cho đúng?

Lên chùa cầu được gặp "một nửa" như ý

Đầu năm lên chùa cầu duyên đã trở thành một tập tục tín ngưỡng của nhiều người. Những người dang dở tình duyên thì cầu cho mình có một mối tình đẹp. Ai đã từng trải qua cuộc hôn nhân tan vỡ thì mong sớm tìm được một ý trung nhân mới. Những cặp đôi đang yêu nhau nhưng lại giận dỗi, chia tay thì mong sớm hàn gắn. Những ai tình duyên đã tốt thì cầu mong tình yêu bền bỉ và viên mãn hơn nữa…

Việc cầu duyên đầu năm cũng như cầu lộc, cầu tài, may mắn và duyên đến sẽ tìm được một ý trung nhân như ý. Không chỉ vậy, đi lễ chùa đầu năm làm cho con người cảm thấy thấy nhẹ nhõm hơn, tĩnh tâm hơn.

Đi cầu duyên ở đâu?

Trên thực tế không có ngôi chùa, đình đền nào riêng biệt cho việc cầu duyên, cầu hạnh phúc cá nhân mà chỉ là dân gian đồn đại và truyền miệng nhau. Dưới đây là một số địa điểm được nhiều người tín cầu duyên nhất:

Chùa Hà còn được gọi là "Chùa tình yêu"

Chùa Hà: Nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, nhiều người cho rằng đây là địa chỉ cầu duyên linh nghiệm nhất. Không chỉ ngày Tết mà mùng 1, ngày Rằm cũng rất đông bạn trẻ đến đây dâng hương, xin sớ cầu duyên.

Am Mỵ Nương: Am Mỵ Nương nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội). Trong chùa, có am nhỏ thờ một bức tượng không đầu, theo người dân sống tại đây, bức tượng này là công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết. Cũng vì câu chuyện dân gian chưa có chứng thực xúc động nên am Mỵ Châu được người đời truyền tụng rất có ứng nghiệm cho việc cầu duyên, cầu hạnh phúc gia đình.

Đền Chử Đổng Tử: Đền ở Khoái Châu, Hưng Yên, gắn liền với mối tình giữa nàng công chúa Tiên Dung với chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo Chử Đồng Tử. Nhiều người đến đây không chỉ để dâng nén nhang tưởng nhớ tới một trong những “tứ bất tử” của Việt Nam cùng hai vị phu nhân xinh đẹp là Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa, mà còn để cầu mong tìm được tình yêu chân chính, gia đình yên ấm. 

Chùa Duyên Ninh: Tọa lạc trong thành Tây Hoa Lư ở xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình). Nơi đây vua Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân (con gái vua Lê Đại Hành) đã thề non hẹn biển và sinh ra vua Lý Thái Tông. Chính nguồn gốc về các cô công chúa, về gia đình hạnh phúc xa xưa của bậc vua chúa nhà Lý mà chùa sau này trở thành một điểm tín ngưỡng thu hút rất đông người dân tới cầu phúc, cầu may, đặc biệt là cầu duyên.

Chùa Minh Hương hay còn gọi là chùa Ông, chùa Quan Đế Thánh quân

Chùa Minh Hương: Nằm ở trung tâm Q.5 (TP.HCM), lọt thỏm giữa một vùng đô thị thương mại sầm uất, chùa Minh Hương là địa chỉ tâm linh của cộng đồng người Hoa và cả người Việt tìm đến để cầu nguyện mỗi ngày. Chùa Minh Hương thờ Quan Vân Trường, dù không thuộc loại nhất nhì về quy mô, nhưng theo khẳng định của nhiều người thì sự linh thiêng của chùa đã nức tiếng xa gần. Rất nhiều bạn trẻ đã đến đây để mong tìm được mối nhân duyên cho mình. 

Đền Bắc Lệ Lạng Sơn: Thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đây là đền thờ Mẫu điển hình ở nước ta. Đền Bắc Lệ nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn - nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé - đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Dân gian truyền tụng nếu người trần phàm tục gặp trắc trở trong chuyện tình duyên, hay hiếm muộn về đường con cái thì đến đền Bắc Lệ để xin lộc bà Chúa và Chầu Bé để được ban lộc.

Đầu năm đi "cắt tiền duyên"

Một số người muộn tuổi dựng vợ gả chồng, đi xem bói, các thầy phán rằng do duyên âm với người kiếp trước còn nặng (Minh hoạ: Nld.com)

 Không ít người phải đi "cắt tiền duyên" để mong xây dựng được gia đình. Dân gian cho đó là "duyên âm", "tình duyên" từ kiếp trước… Đây là khái niệm trong lĩnh vực tâm linh, mang tính chất mê tín, cho rằng người cao số, khó lấy chồng lấy vợ là do có người âm theo, cần thường xuyên đi lễ và quan trọng là làm lễ "cắt duyên" để người âm không theo nữa. Dù hiệu quả không cao, nặng về hình thức nhưng do "có bệnh thì vái tứ phương", không ít bạn trẻ vẫn mất tiền để làm, thậm chí có người "cắt duyên âm" đến vài lần mà chưa thành công.

Kích hoạt cung tình duyên

Nhiều người nghĩ tình duyên trắc trở hay thuận lợi là do tính cách, số phận, không liên quan đến phong thủy. Thực ra, phong thủy hợp lý sẽ thay đổi môi trường sống, giúp chuyển biến trong tâm tư, lối sống... từ đó có được tình duyên như mong muốn. Ngoài việc cầu duyên tại đền chùa, hay "cắt duyên âm" khó kiểm chứng và có tính bị động, người ta có thể kích hoạt cung tình duyên theo khoa học phong thủy, mà có thể tự thực hiện được, chi phí lại không cao.

Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức