Cho phép mang thai hộ: Hi vọng mới cho các cặp hiếm muộn

Người phụ nữ 33 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, chị từng có thai 5 lần nhưng đều không giữ được con, do vấn đề ở tử cung. Chồng chị là con trai một, bố mẹ chồng mong cháu từng ngày. Nhà chồng đã nhiều lần thúc giục hai người chia tay để anh có cơ hội đi tìm hạnh phúc mới, sinh con đẻ cái cho gia tộc. Anh xã yêu thương vợ nhưng cũng không thể bỏ ngoài tai lời cha mẹ. Hiện hai người đã ly thân, chờ làm thủ tục ly hôn.

"Chúng mình từng tính đến chuyện nhờ người mang thai hộ, vì tinh trùng của anh xã bình thường, trứng của mình cũng ổn, chỉ là tử cung không tốt để làm tổ và nuôi dưỡng thai nhi. Thế nhưng, suốt hai năm qua vẫn vô vọng", chỉ Thanh kể.

Chị cho biết, vì pháp luật không cho phép việc này, vợ chồng chị phải kín đáo lên mạng nhờ người mang thai hộ. Có người đồng ý nhưng đòi quá nhiều tiền khiến anh chị hồ nghi và cũng không đủ khả năng đáp ứng. Khi tìm được người ưng ý thì cặp vợ chồng lại không thể nhờ được bác sĩ thực hiện giúp. "Bác sĩ ở bệnh viện công thì từ chối vì pháp luật chưa cho phép, có chỗ môi giới, cơ sở tư nói có thể làm được thì mình lại không dám đặt niềm tin", chị Thanh kể.

Chị cho hay, nếu sắp tới không có hy vọng gì về con cái nữa, chắc chắn vợ chồng chị sẽ phải đường ai nấy đi. Chị hy vọng sự mở đường của quy định mới cho phép mang thai hộ sẽ giúp gia đình mình có cơ hội xây dựng lại tổ ấm, có tiếng cười trẻ thơ.

Ảnh minh họa

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó,việc mang thai hộ phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.Dự thảo nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015.

"Chúng tôi đã mong ngóng tin này bao năm rồi. Thực hiện khao khát có được một mụn con có phải điều gì xấu đâu, mà lâu nay chúng tôi luôn phải lén lút, đi đường vòng, và vì thế, từng tiền mất, tật mang", anh Hải (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ khi đọc thông tin trên.

Anh Hải cho biết, vợ chồng anh kết hôn 5 năm chưa có con. Vợ anh có tử cung đôi và đã phẫu thuật bỏ vách ngăn nhưng sau 4 lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vẫn chưa thành công. Thương vợ phải tiêm nhiều thuốc cũng như chịu áp lực nặng nề, anh bàn với chị tìm người mang thai hộ.

Tuy nhiên, hành trình này của anh chị gặp không ít gian nan.Anh Hải kể, năm ngoái, chị gái vợ anh đồng ý mang thai giúp. Vì chị sống trong miền Nam, hai vợ chồng vào Sài Gòn, dự định chuyển phôi cho người chị. Tuy nhiên, các bác sĩ không đồng ý dù hai người hết sức năn nỉ.

Sau đợt đó, lần tìm trên mạng, anh chị liên lạc với một công ty môi giới mang thai hộ và hy vọng họ có thể giúp mình "lách luật". Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ, mất tiền tư vấn, anh Hải không dám tiếp tục theo đuổi.

"Có người bày cho mình đi Thái Lan nhờ 'đẻ thuê' nhưng thấy hơi rủi ro và quá tốn kém, không kham nổi. Chưa rõ tới đây vợ chồng mình có may mắn nhờ người sinh con hộ được không nhưng sự cho phép của pháp luật vẫn là tia hy vọng cho những trường hợp bất hạnh như bọn mình", anh Hải thổ lộ.

Bị dị dạng tử cung, không thể tự mang thai đứa con của chính mình, chị Bích (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), từng chấp nhận để chồng quan hệ trực tiếp với người phụ nữ khác, mong sẽ có đứa con để đón về nuôi. "Ai biết chuyện cũng cho là tôi quá điên rồ. Nhưng có trong hoàn cảnh vô vọng như tôi mới hiểu, còn bất cứ cơ hội nào đều phải thử, dù có thể đánh đổi nhiều thứ", chị Bích kể.

Người phụ nữ 35 tuổi, là giáo viên một trường cấp 1 cho biết, cũng như những người phụ nữ khác, chị không bao giờ muốn chia sẻ chồng với bất cứ ai, nhưng, vợ chồng chị nghèo, việc thuê người mang thai hộ, chi phí khám bệnh, thụ tinh ống nghiệm... rất lớn, nhiều thủ tục và rất khó thực hiện, nhất là trong điều kiện pháp luật không cho phép. "Để chồng quan hệ với người khác thì giống như nhờ đẻ thuê vì dùng trứng của họ, lại có thể gặp rủi ro như họ sinh con rồi không giao cho mình, hoặc chồng mình tiếp tục dây dưa... nhưng cách đó dễ làm và không phải qua thủ tục nào", chị Bích kể.

Dù mạo hiểm như vậy nhưng vợ chồng chị cũng không thực hiện được mong ước làm cha mẹ. Hai lần chồng chị quan hệ với hai người phụ nữ khác nhau đều không mang lại kết quả gì. Anh chị đang hy vọng, thời gian tới, có thể nhờ một người họ hàng của một trong hai người mang thai giúp để được toại nguyện. "Nếu việc này cũng thất bại, chắc tôi sẽ không níu kéo gì anh ấy nữa", chị Bích nói.

Mang thai hộ là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác. Khi đó, tử cung của người mang thai hộ sẽ giống như vườn ươm cho em bé.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 500-700 người có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Theo ông, việc mang thai hộ là chính đáng với những cặp vợ chồng muốn có con nhưng không thể mang thai được, chẳng hạn như phụ nữ không có tử cung hay bị cắt vì băng huyết, vỡ tử cung… hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai. Quy định cho phép mang thai hộ nhằm tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không may mắn đó nhưng phải làm có sự kiểm soát, tránh kinh doanh thương mại hóa.

Theo quy định, mỗi người chỉ được một lần mang thai hộ và Bộ Y tế sẽ kiểm soát những người này trên hệ thống máy tính, khi họ đã đăng ký làm tại trung tâm này thì sẽ không được đăng ký làm tiếp ở trung tâm khác. "Điều này cũng giúp hạn chế được mang thai hộ vì lý do thương mại. Mỗi người một lần mang thai hộ thì không thể lấy việc này làm nghề kiếm tiền”, Thứ trưởng Tiến nói.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội