Ảnh minh họa
Bạn Thu Hoài thân mến!
Chu kì kinh nguyệt là chuyện đương nhiên đối với hầu hết chị em, dù muốn hay không chị em cũng khó tránh được những lúc có "đèn đỏ" trong những ngày quan trọng. Hơn nữa, rất nhiều chị em thường gặp các triệu chứng khó chịu trong kì kinh nguyệt như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn... Đó chính là lý do mà nhiều chị em không muốn có "đèn đỏ" trong những ngày quan trọng của mình và nếu có thể, họ sẽ làm mọi cách để cho những ngày "đèn đỏ" lui lại một vài ngày.
Chu kì kinh nguyệt của phụ nữ là sự ra huyết âm đạo hàng tháng do thay đổi nội tiết tố estrogen và progesteron. Thời gian chu kì kinh nguyệt khác nhau đối với từng người, có người là 28 ngày, có người trên 30, thậm chí trên 40 ngày. Trong thời gian này sẽ xảy ra hiện tượng rụng trứng. Sau trứng rụng, nếu không có sự thụ tinh, nội tiết tố estrogen bắt đầu giảm đột ngột, cùng với sự phóng thích tại chỗ của prostaglandin làm cho các mạch máu ở nội mạc tử cung co thắt, bong ra và chảy máu, tạo nên hiện tượng kinh nguyệt.
Hiện tượng kinh nguyệt là do giảm đột ngột nồng độ nội tiết tố estrogen và progesteron trong máu. Muốn kinh nguyệt chưa xuất hiện, bạn cần duy trì nồng độ estrogen và progesteron trong máu với chỉ số nhất định để không làm phóng thích prostaglandin và không có hiện tượng co thắt mạch máu ở nội mạc tử cung. Bạn có thể uống thuốc tránh thai để thực hiện được điều này.
Nếu bạn không uống thuốc tránh thai hàng ngày thì bạn có thể uống thuốc này ngay từ ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt tiếp theo và uống liên tục mỗi ngày 1 viên vào 1 giờ nhất định trong vòng 3 tuần, loại vỉ 21 viên. Sau đó, uống tiếp 1 tuần nữa, việc dời ngày kinh sẽ được như ý. Sau khi ngưng uống thuốc, hiện tượng ra kinh sẽ xảy ra sau đó vài ngày.
Thuốc tránh thai hàng ngày có thể có những tác dụng phụ khiến bạn cảm thấy buồn nôn, nhức đầu, căng ngực, ra huyết giữa thời điểm uống thuốc (nhưng không đáng kể)... Ngoài ra, những chị em mắc các bệnh như suy gan, bệnh huyết khối động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, bệnh lupus ban đỏ, bệnh ung thư vú, tăng sản nội mạc tử cung, xuất huyết âm đạo chưa xác định nguyên nhân, bệnh tăng lipoprotein huyết, thiếu máu hình cầu liềm, thiếu máu tán huyết mãn tính... không nên uống thuốc tránh thai hàng ngày.
Để yên tâm hơn, trước khi uống thuốc, bạn nên đi khám để biết sức khỏe của mình có thích hợp để uống các loại thuốc tránh thai hàng ngày hay không.
Chúc bạn vui, khỏe!
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị
Bình luận của bạn