Cô gái 21 tuổi "hồi sinh" sau ca ghép phổi kỳ diệu ngày 30 Tết được xuất viện

Các y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương chúc mừng bệnh nhân được ra viện - Ảnh: BVCC

Việt Nam ghi nhận dấu ấn mới trong lĩnh vực ghép phổi

Lần đầu tiên 2 người sống hiến phổi cứu bệnh nhi

Ca ghép phổi đầu tiên: Mong nhất con được đến trường

Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tổ chức chúc mừng bệnh nhân Phạm Anh Thư - nữ bệnh nhân nữ 21 tuổi, được ghép 2 lá phổi thành công hôm 30 Tết - được xuất viện sau 1 tháng 20 ngày chăm sóc hậu phẫu.

Tại buổi gặp mặt, TS.BSCC Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện đã chúc mừng bệnh nhân và chia sẻ thêm về ca ghép phổi này. Theo BS.Lượng hành trình ghép phổi để cứu sống nữ bệnh nhân đã mang đến cho những người thầy thuốc vô vàn cảm xúc. Ngay khi nhận được thông tin có người hiến tạng, Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động gần một trăm nhân lực trực tiếp tham gia đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, GS.Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...

TS.BSCC Đinh Văn Lượng chia sẻ tại buổi gặp mặt - Ảnh: BVCC

TS.BSCC Đinh Văn Lượng chia sẻ tại buổi gặp mặt - Ảnh: BVCC

Sau khi hội chẩn với GS.Jasleen - Giám đốc Trung tâm ghép phổi UCSF (là một trong những trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ), Bệnh viện đã quyết định khởi động ca ghép phổi này. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ, quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng... Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

"Ca ghép phổi thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam, mở ra cơ hội cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được. Từ đây, các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi ở nước ta sẽ đúng theo tiêu chuẩn của các nước phát triển", TS.BSCC Đinh Văn Lượng nói.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Anh Thư không giấu được niềm vui và xúc động, nói: "Cháu rất vui mừng khi hôm nay được ra viện sau khi trải qua cuộc đại phẫu thuật vào đêm 30 Tết vừa qua. Hiện tại, cháu rất khoẻ mạnh, hạnh phúc khi được sống với lá phổi mới và tràn đầy năng lượng trong từng nhịp thở. Rồi cháu sẽ tiếp tục được đi học như bao bạn bè khác. Cháu rất biết ơn và sẽ cố gắng sống một cuộc sống thật tốt để xứng đáng với bao nỗ lực của các bác sĩ và của người đã hiến tặng lá phổi cho cháu".

Anh Thư cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương và toàn thể các y bác sĩ, điều dưỡng đã luôn tận tâm, chăm sóc trong thời gian qua.

 

Bệnh nhân Phạm Anh Thư (21 tuổi, quê ở Bắc Kạn) phải bỏ học vì bệnh phổi đục lỗ. Đây là bệnh hiếm gặp, tạo các kén khí trong hai lá phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng này khiến cô gái phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày. Các bác sĩ nhận định, tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng bệnh nhân tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi. Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

Ngày 8/2 (29 Tết Giáp Thìn), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm. Trước đó, hoạt động lấy tạng được thực hiện cùng ngày tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từ một nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông.

Ca phẫu thuật được tiến hành đúng ngày 30 Tết và kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ tới 22 giờ). Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội