Công trình hơn chục tỷ đồng dở dang, hàng nghìn người thiếu nước sinh hoạt

Từ khi công trình ngừng thi công cách đây 4 năm, tháp nước cao hàng chục mét phơi mưa nắng, giàn giáo mục. Ảnh: Phương Vy.

Đề xuất phạt 5 chung cư có nước sinh hoạt không chuẩn

Người Sài Gòn lo thiếu nước ngọt vì mặn xâm nhập

Nội thành Hà Nội có thể thiếu nước sinh hoạt

Hà Nội: Kinh hãi nước sinh hoạt bẩn như... nước cống

Do giáp biển nên nguồn nước của phần lớn hộ dân xã Kim Hải bị nhiễm mặn thường xuyên. Để có nước ngọt sử dụng, nhiều gia đình làm bể hứng nước mưa hoặc khoan giếng ở độ sâu 70 - 80m.

Chị Vui (40 tuổi, xóm 2 xã Kim Hải) cho hay, cảnh thiếu nước ngọt của các hộ dân trong xã diễn ra nhiều năm nay. “Mùa mưa thì bà con hứng nước mưa dùng tạm nhưng khi trời không mưa, giếng khoan không có nên phải đi xin nước từ nơi khác về sinh hoạt”, chị Vui nói và cho hay, trước kia giếng khoan chỉ sâu 20m là có nước ngọt nhưng giờ khoan 70 - 80m vẫn không đủ dùng.

Để khắc phục tình trạng trên, nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại xã Kim Hải. Theo báo cáo của chủ đầu tư là Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình), dự án được khởi công năm 2010 với tổng vốn 14 tỷ đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ hơn 12,5 tỷ. Vốn đối ứng của cư dân địa phương gần 1,4 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013 công trình hoàn thành, cung cấp nước sạch cho gần 3.000 nhân khẩu ở xã Kim Hải và các xã, trị trấn lân cận.

Tuy nhiên, sau vài năm thi công nhà thầu xây dựng được khoảng 80% khối lượng công trình thì dừng hẳn. Theo chủ đầu tư, tổng số vốn đã giải ngân là 10,78 tỷ, hiện nay còn thiếu phần thiết bị với giá trị khoảng 3 tỷ. Trong đó có phần đóng góp của nhân dân xã Kim Hải 1,39 tỷ đồng. Thực tế phần vốn nhà nước đối với công trình này chỉ còn thiếu khoảng 1,6 tỷ.

Nhiều khối bê tông bong tróc, vỡ vụn trong khuôn viên nhà máy nước Kim Hải. Ảnh: Phương Vy.

Hiện các hạng mục như cổng, tường rào, san nền, nhà quản lý vận hành, nhà chứa hoá chất, cụm lắng lọc, bể chứa nước sạch, đài nước, bể thu bùn, trạm bơm, hệ thống điện… đều chưa hoàn thiện nhưng bắt đầu hư hỏng.

Do thời gian ngừng thi công khá dài nên cỏ dại mọc um tùm trong công trình. Hệ thống dẫn nước cũng hoen rỉ. Nắp cống của hệ thống mương dẫn nước bị bật tung, nằm ngổn ngang. Trên tháp nước cao hàng chục mét có hệ đà giáo chưa được tháo dỡ, đứng giữa trời mặc cho mưa nắng hủy hoại.

“Công trình cả chục tỷ đồng của nhà nước dở dang ai nhìn vào cũng xót xa. Chúng tôi mong nó sớm đi vào hoạt động để thoát cảnh xin nước hàng ngày”, một người dân xã Kim Hải nói.

Ông Đoàn Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết, không riêng người dân Kim Hải mà các xã lân cận như Kim Đông, Kim Chính, thị trấn Bình Minh cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. “Những năm đầu nhà thầu thi công khá nhanh, tới năm 2012 cơ bản đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Nhưng từ đó, họ lặng lẽ bỏ đi. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, nhân dân, chính quyền địa phương liên tục phản ánh đến các đại biểu HĐND cấp huyện, tỉnh, song chưa có chuyển biến”, ông Tuấn nói.

Các hạng mục công trình hoàn thiện khoảng 80% thì “đắp chiếu”. Hệ thống vòi nước hoen rỉ dù chưa vận hành. Ảnh: Phương Vy.

Ông Tống Xuân Toán - Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Ninh Bình (đơn vị được giao quản lý dự án) cho hay, đến năm 2015 nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia không còn là nguyên nhân dẫn tới việc công trình bị đình trệ. “Chúng tôi đang tính toán, kêu gọi nguồn xã hội hoá, kêu gọi Công ty Cổ phần Cấp Thoát nước Ninh Bình tiếp tục đầu tư phần còn lại và đưa dự án đi vào hoạt động sớm nhất có thể”, ông Toán nói.

Tuy nhiên, thời gian cụ thể hoàn thiện công trình và đưa vào hoạt động, đến bao giờ người dân xã Kim Hải và vùng phụ cận mới có nước sạch sinh hoạt thì các cơ quan chức năng Ninh Bình vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội