Đàn ông Việt Nam sắp phải "nhập" vợ ngoại ?


PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Họp báo

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Có lúc chúng tôi giật mình khi đi kiểm tra một số xã ở Đồng bằng sông Hồng, có xã lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái lúc ra đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh lộ quá rõ. Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Các làng, xã sẽ thiếu phụ nữ, cô dâu nên sẽ chịu rất nhiều điều bất lợi. Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để lấy cô dâu ở nước ngoài”.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia Châu Á, nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000, lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Tới dự cuộc họp có các lãnh đạo đại diện Bộ Y tế, UNFPA, TƯ Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổng cục DS-KHHGĐ và các đơn vị liên quan

Tại buổi họp báo, các chuyên gia cho rằng, bằng chứng ở Châu Á và Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong quan niệm văn hóa. Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống của họ.

Ngoài ra, mất cân bằng giới tính khi sinh còn ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng, việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm, dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại buổi họp

Do đó, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số KHHGĐ nhấn mạnh: “Phân biệt đối xử đối với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm nhân quyền, cần phải được chấm dứt. Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Hơn thế nữa, bình đẳng giới chính là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia”.
ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin