Đạp xe xuyên Việt để trải nghiệm... nghèo

Giải thích về quyết định này, chàng sinh viên vừa ra trường, đang làm công việc chăm sóc khách hàng cho một hãng ôtô chia sẻ: "Sau mười mấy năm miệt mài trên ghế nhà trường, chả lẽ giờ lại tiếp tục gắn cả đời với công việc, trong khi bản thân còn quá nhiều điều chưa biết, chưa thấy và chưa làm được".

Minh lên ý tưởng về chuyến xuyên Việt bằng xe đạp với tên gọi "Chắp cánh ước mơ". Chiều 30/11/2013, cậu viết đơn xin thôi việc để bắt tay thực hiện kế hoạch đi khắp đất nước, trải nghiệm cuộc sống với người dân nghèo.

20140223-103304-9864-1395501644.jpg
Tạ Quang Minh và các bạn gói quà để tặng trẻ em nghèo trong chuyến xuyên Việt sắp tới. Ảnh: L.P.

Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, kế hoạch xuyên Việt đang đi vào giai đoạn nước rút. Chàng trai sinh năm 1991 sẽ đạp xe qua 63 tỉnh thành trong 2 tháng. Hành trình sẽ bắt đầu vào ngày 7/4 từ TP HCM với trạm dừng chân đầu tiên tại Mộc Hóa, Long An. Sau khi di chuyển hết 13 tỉnh miền Tây và các tỉnh miền Nam, ngày 23/4 Minh sẽ có mặt tại Tánh Linh, Bình Thuận để ngược ra miền Trung, Tây Nguyên và ra Bắc. Chuyến đi dự kiến kết thúc vào ngày 8/6.

Mỗi nơi đến, Minh tặng tập vở cho học sinh nghèo của một trường tiểu học. Chàng trai đã chuẩn bị quà cho 40 tỉnh, mỗi tỉnh 400 cuốn tập chia thành 80 phần. Chi phí quà cho mỗi địa phương là 1 triệu đồng. Quà được chuyển bằng xe đò đến các trường tiểu học trước, sau đó khi đạp xe tới nơi Minh sẽ tận tay phát quà cho học sinh.

"Sự vất vả khi đạp xe của tôi không đáng vào đâu so với sự vất vả hàng ngày các em phải gánh chịu. Đây cũng là cơ hội để tôi thử sức khỏe, sức chịu đựng của bản thân", chàng trai lý giải. Minh cũng mong muốn truyền đi thông điệp "hãy bảo vệ môi trường" bằng việc đi xe đạp.

Mê phượt, mê trải nghiệm cuộc sống nên khi còn đi học chàng trai đã tự thực hiện nhiều chuyến đi. Tháng 4 năm ngoái sau khi viết xong luận án tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh ĐH Kinh tế TP HCM, trong thời gian chờ kết quả, Minh xách balô đi bộ đến các vùng dân tộc ít người ở 5 tỉnh Tây Nguyên trong vòng 2 tuần. Đến đâu Minh xin ngủ nhà dân ở đó. Sau đó Minh làm một chuyến bộ hành từ Sài Gòn ra Huế để tiếp tục trải nghiệm cuộc sống của nhiều vùng quê.

"Tới mỗi nơi, cảm nhận cuộc sống trong tôi thay đổi rất nhiều. Chứng kiến nhiều cảnh khổ của người dân, tôi thấy như có động lực phấn đấu để vượt mọi khó khăn, cải thiện cuộc sống chính mình", Minh trải lòng.

Là con trai út trong gia đình 5 anh chị em tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, ba mẹ làm nông nên từ nhỏ Minh phần nào thấu hiểu cuộc sống của người nông dân. Hiện nay các anh chị đã lập gia đình riêng, kinh tế ổn định hơn nên Minh muốn tự thực hiện sự sẻ chia với cộng đồng bằng sức trẻ của mình. Ban đầu gia đình phản đối nhưng sau khi được thuyết phục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", mọi người đã dần dần ủng hộ hành trình của Minh.

Kom-Tum-2457-1395501645.jpg

Minhtrong chuyếnđi bộđến Kon Tum năm 2013.Ảnh: NVCC.

Lên ý tưởng là một chuyện nhưng quá trình bắt tay thực hiện lại chất chồng không ít khó khăn. Việc thuyết phục mọi người tin tưởng và ủng hộ ý tưởng mà không ít người cho là "điên rồ" này không hề đơn giản. Nhiều lần đi xin tài trợ bị từ chối, nhiều người còn nói những lời khó nghe khiến Minh rất nản. Nhưng cũng có không ít người hào hứng sẻ chia vật chất lẫn tinh thần cho chàng trai "gầy gò mà có quyết tâm lớn", giúp Minh thêm niềm tin.

"Những người quan tâm ủng hộ là những người hoàn toàn tin tưởng mình.Đây là chương trình từ thiện không có logo thương hiệu, quảng bá", Minh chia sẻ.

Nói về ý tưởng của người bạn thân, Hoàng Quang Vĩnh, cựu sinh viên ĐH Bách khoa tỏ ra thán phục. Vĩnh cho rằng ý tưởng đạp xe xuyên Việt không mới, nhưng kết hợp tổ chức chương trình nhân đạo "từ trái tim đến trái tim" như Minh thì không phải ai cũng làm được."Quá trình thực hiện không ít khó khăn nhưng mình tin với sự quyết tâm, tính toán kỹ lưỡng của Minh, bạn ấy sẽ thành công.Mình sẽ luôn dõi theo, cổ vũ Minh và hành trình của bạn ấy", Vĩnh chia sẻ.

Hiện Minh tích cực tập luyện thể dục, kêu gọi thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ để chuẩn bị chỉn chu nhất cho hành trình mà chàng trai gọi là "chuyến đi của cuộc đời".“Càng khó khăn tôi càng nhất định thực hiện cho bằng được. Sau chuyến đi tôi sẽ trở về toàn tâm toàn ý cho công việc, sự nghiệp”, chàng trai bày tỏ sự quyết tâm.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội