Giá xăng lại tăng kỷ lục?

Từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay (Nguồn: Vietnamnet)

Điểm tin 25/2: Xăng dầu sẽ không tăng giá

Nơi 1000 đồng mua được gần 100 lít xăng

Nơi 1000 đồng mua được gần 100 lít xăng

Giá xăng Việt Nam sắp xuống 10.000 đồng/lít?

Một lít xăng "cõng" 2.000 tiền thuế

Dự kiến từ 1/5, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng sẽ từ 1.000 đồng/lít tăng lên 3.000 đồng/lít. Dầu diesel sẽ tăng thuế từ 500 đồng /lít hiện nay lên 1.500 đồng/lít. Dầu mazut cũng sẽ tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít. Riêng dầu hoả, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ giữ nguyên như mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 300 đồng/lít. 

Lý giải về lý do tăng thuế BVMT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình. Giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng tới số thu cho ngân sách nhà nước giảm. Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần hiện nay. Khi tăng thuế bảo vệ môi trường thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%".

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ đảm bảo phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu. So sánh với giá xăng dầu của các nước trong khu vực thì giá xăng Ron 92 của Việt Nam nếu cộng thêm mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn giá xăng Ron 92 của một số nước trong khu vực tại thời điểm 22/1/2015. Cụ thể, thấp hơn Campuchia 4.531 đồng/lít; Lào 6.970 đồng/lít; Trung Quốc 333 đồng/lít; Thái Lan 13 đồng/lít.

"Giá xăng không tăng mà có thể giảm"

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc tăng thuế này cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. “Trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 20%, tính ra số tăng thấp hơn số giảm dẫn đến giá xăng không những không tăng mà còn có thể giảm", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Được biết, khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh thuế nhập khẩu và hiện đã lên đến 35%. Vì vậy, nếu giá xăng dầu giảm tiếp, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu xăng dầu cũng không thể vượt quá 40%. Hiện xăng dầu tại Việt Nam đang chịu mức thuế giá trị gia tăng cao nhất (10%) nên khó có thể tăng thêm nữa. Vì vậy, chỉ có thể xem xét tăng thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Do điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt mất rất nhiều thời gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng trước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Hiện nay môi trường đang rất cần bảo vệ, để làm cho môi trường sạch hơn, ví dụ như môi trường của các làng nghề đang ô nhiễm rất nhiều nên cần phải đầu tư làm cho môi trường sạch hơn... Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ môi trường, cả ở trung ương, địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương đề bù cho giảm thuế nhập khẩu”.
Thương Huyền H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội