Giai đoạn “nhạy cảm” với JTC, đường sắt VN có 3 Giám đốc QLDA

Đó là các ông Trần Quốc Đông – Phó Tổng Giám đốc TCT ĐSVN, ông Trần Văn Lục – hiện công tác tại Cục Đường sắt, Bộ GTVT và ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Ban QLDA đương nhiệm. Các ông Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu đã được TCT ĐSVN cho tạm dừng công việc để tập trung giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan trong việc triển khai các dự án đường sắt giai đoạn 2008 – 2012 liên quan đến Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).


Đồ họa mô phỏng dự án

Được biết, ông Trần Văn Lục chuyển công tác khỏi Ban QLDA đường sắt thuộc TCT ĐSVN khi đã kết thúc quá trình chọn thầu tư vấn và tạm ứng tiền cho nhà thầu.

Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo tất cả cán bộ liên quan tạm dừng công việc để làm giải trình, cam kết về chuyện có hay không nhận hối lộ, kể cả người đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu cũng phải giải trình.

Được biết, nghi vấn hối lộ các quan chức đường sắt của JTC bị “phát lộ” qua hoạt động kiểm toán vào tháng 6.2013. JTC đã giải trình khoản chi bất thường là dành cho chủ đầu tư tại 3 nước nhận vốn vay ODA là Indonesia, Uzebekistan và Việt Nam. Ở Việt Nam, JTC chỉ đề cập đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).

Trong một diễn biến khác, thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, giá trị hợp đồng tư vấn ký giữa liên danh nhà thầu do JTC đứng đầu đã tăng đáng kể.

Dự án đường sắt đô thị số 1 (hay còn gọi là đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên) do Tổng Công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, bắt đầu từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2017. Dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay JICA (ODA Nhật Bản) với tổng giá trị hơn 21 tỷ yen. Đến nay, phần tư vấn đã hoàn thành công đoạn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2A.

Công ty tư vấn JTC đã trúng thầu gói tư vấn trị giá hơn 2,9 tỷ yen và 320 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án và liên danh tư vấn ký hợp đồng ngày 9/9/2009, thời gian thực hiện từ 1/10/2009 đến 30/11/2011. Quy theo tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng (1 yen tương đương 199,79 đồng theo tỷ giá bán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam), tổng giá trị gói thầu vào khoảng 900 tỷ đồng.

Sau thời gian thực hiện từ 1/10/2009 đến 30/11/2011, Ban quản lý dự án cho biết một số hạng mục đã phát sinh hoặc thay đổi (tăng diện tích, số lượng công trình, điều chỉnh vị trí các nhà ga, thay đổi vị trí cầu vượt sông Hồng theo khuyến nghị từ kết quả nghiên cứu của JICA).Vì vậy, tổng giá trị hợp đồng tư vấn được điều chỉnh lên hơn 3,6 tỷ yen và 236 tỷ đồng. Thời gian thực hiện kéo dài thêm 11 tháng, đến ngày 31/10/2012. Quy theo tỷ giá ngày 30/11/2011 (mỗi yen tương đương 268,18 đồng), giá trị hợp đồng sau điều chỉnh lên đến hơn 1.226 tỷ đồng.

Về tiến độ, đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với chiều dài 15,36 km và khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85 km, đơn vị tư vấn JTC mới hoàn thành việc thiết kế kỹ thuật. Vướng mắc một phần do cầu vượt sông Hồng và đoạn tuyến phía bắc cầu sông Hồng chưa được thành phố Hà Nội và các Bộ thống nhất nên chưa có thiết kế tổng thể.

Hợp đồng tư vấn đã giải ngân khoảng 80% tiền yen Nhật và 69% phần tiền Việt (giá trị hợp đồng còn lại khoảng 705 triệu yen và trên 72 tỷ đồng).

Giai đoạn hai của dự án, đoạ nGiáp Bát - Ngọc Hồi dài 5,649 km,có tổng mức đầu tưhơn24.825tỷ đồng(gồm 75.667 tỷ yen và 4.477 tỷ đồng). Hiệp định vay JICA lần hai cho dự án đã ký ngày 22/3/2013 với giá trị là 16.588 tỷ yên.

Gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn hai đang được Tổng Công ty Đường sắt thương thảo với liên danh do JTC đứng đầu, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 7/2014.

Trước thông tin Chủ tịch Công ty tư vấn JTC Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để được thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1 ở Hà Nội, chiều 23/3, Bộ Giao thông Vận tải đã lập đoàn thanh tra tất cả dự án nhà thầu JTC tham gia. Bộ cũng chỉ đạo dừng giải ngân và rà soát thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2A (Giáp Bát - Ngọc Hồi) của dự án đường sắt đô thị số 1.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội