Góc nhìn Bát quái: Sau tán tác đến điều tiết

Người Việt ta có ba chữ giữ chừng mực. Phan Bội Châu bình luận rằng: Quẻ Tiết ở sau quẻ Hoán (tán) là Dịch lý rất hay, quốc gia xã hội đã trải qua một cuộc hoán tán rồi. Phong tục đồi bại quá nhiều, công nghệ hoang phế quá lắm, trật tự đã biết bao nhiễu loạn, kinh tế đã biết bao cùng quẫn, sức sinh sản kém sút, đạo đức mới toan đánh đổ cái cũ.


Điều tiết cân bằng là lẽ sống còn của mọi sự mọi vật

Nếu khi ấy mà không dùng đạo tiết, sống xa xỉ ngày càng lung tung, thế vật chất ngày càng bành trướng, làm nguy hiểm cho thế đạo biết đến chừng nào (Chu Dịch. NXB Văn hóa Thông tin 1996, tr. 815). Thu Giang - Nguyễn Duy Cần cũng nhận xét như thế, cái đầm (hay cái hồ) nước có mực, nếu chứa thêm nước nữa thì nước sẽ tràn bờ.

Rộng ra, là tiết điệu (điều tiết). Mà tiết điệu là lẽ sống còn của mọi sự mọi vật. Trong thiên hạ, quý nhất là đạo trung, nghĩa là không cho cái gì bất cập, cũng không cho cái gì thái quá. Đây là luật căn bản của Dịch (Dịch kinh tường giải. NXB Trẻ 2014, tr. 379).

Tuy nhiên, điều tiết như thế nào là cả một vấn đề. Thu Giang bảo rằng: Học đạo tiết là học đạo trời vậy, biết chỗ nào bớt mà bớt, chỗ nào thêm mà thêm, đâu phải là việc tầm thường, phi là bậc thánh nhân, chắc gì làm nổi việc rất tầm thường dễ hiểu này.

Cứ xem sau thời "gió mây tan" ở Ukraina, sang thời "nước đầm tiết", khi xứ Crimea đã thuộc về Liên bang Nga, giời xui đất khiến ông Putin và các nhà lãnh đạo đã điều tiết thế nào. Tôi xin phép không liên hệ thẳng đến từng hành động trong thực tế, chỉ kê ra đây những gì thuộc quẻ Thủy Trạch Tiết.

Hào 1 quẻ Tiết bảo rằng: Không ra khỏi cửa sân, không lỗi. Ý nói phải xem thời, thời đáng hành động thì hành động, đáng dừng thì dừng. Không ra khỏi cửa sân! Cẩn thận từng lời nói. Cái gì đáng nói hãy nói, đáng lặng im thì lặng im. Việc này không dễ dàng tí nào. Vào thời điểm này, một lời nói có thể dựng nước, một lời nói cũng có thể làm mất nước (nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ táng bang).

Hào 2: Chẳng ra khỏi cửa sân, thì xấu, dữ. Ý nói đã đến lúc hành động, mà "không ra khỏi cửa sân", không nắm thời cơ, chỉ cần do dự chút thôi, là hỏng việc.


Biết giữ mình, tránh đổ lỗi là một cách cân bằng cuộc sống

Hào 3: Chẳng giữ chừng mực, rước vạ vào thân, còn đổ lỗi cho ai. Ý nói thấy nguy hiểm phía trước, không biết giữ mình, đến nỗi phải than thở, lỗi ở mình đó thôi.

Hào 4: An vui về việc giữ chừng mực, hanh thông (An tiết). Ý nói đã đến lúc được cả thời lẫn thế, cứ an nhiên, tự nhiên mà tiết chế, mà giữ chừng mực, không cần kiểu cách, giả dối làm gì.

Hào 5: Thời cực tốt đã đến rồi, ngọt ngào mà tiết chế! (Cam tiết). Thời này tốt hơn cả, tiết chế bản thân mình, còn tiết chế được cả thiên hạ, đó chính là ngọt ngào mà điều tiết.

Hào 6: Khổ sở về việc giữ chừng mực, (chừng mực thái quá. Khổ còn nghĩa là đắng), cứ cố giữ thì xấu, biết hối mà bớt thái quá đi thì khỏi xấu. Tiết mà đắng! Càng khổ tiết thì càng khổ tâm. Đạo tiết đến đây là đến chỗ cùng rồi.

Xem thời mà điều tiết, đó là nghệ thuật. Hai chữ thời tiết không phải chỉ nói việc xem tiết nóng lạnh trong trời đất, mà bảo ta phải suy ngẫm từ những biến đổi trong trời đất để mà quyết định làm gì sau cái tán tác của Gió Mây Tan. Quyển Dịch kinh tường giải của Thu Giang để cả 18 trang cuối quyển hạ để bàn về Luật tuần hoàn theo quẻ Thủy Trạch Tiết. Lại dành hẳn 48 trang tiếp theo để bàn về Sự điều tiết của địa cầu và sự xoay vòng của đời sống nhân sinh.

Quẻ Thủy Trạch Tiết dạy ta 6 thời tiết để điều tiết sự vật. Lúc nào tĩnh, lúc nào động, lúc nào nhu nhược mà tiết, lúc nào "an tiết", lúc nào "cam tiết", lúc nào "khổ tiết". Đối chiếu với thời sự khắp nơi trên trái đất, thấy y chang. Dịch cũng dạy ta khi đọc Dịch đừng chết theo văn tự.

Nếu chết theo văn tự, thì Dịch đã chết rồi, đối với các bạn! (Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Phải đọc Dịch theo cách "Có lời là vì ý. Được ý hãy quên lời". Trang Tử, một thần tượng của Thu Giang, đã thốt lên câu này: "Ta tìm đâu được kẻ biết quên Lời, hầu cùng nhau đàm luận?".

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức