Hà Nội đứng số 1 về ô nhiễm bụi

Theo Báo cáo môi trường Quốc gia 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ô nhiễm không khí tại Việt Nam thì ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm nhất. So với giai đoạn năm 2003 - 2007, ô nhiễm bụi hiện chưa được cải thiện.

“Nhìn chung, nồng độ bụi cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất, đặc biệt là đối với môi trường không khí tại các đô thị. Tại các điểm quan trắc cạnh đường giao thông, số ngày chất lượng không khí không đảm bảo ngưỡng khuyến cáo an toàn với sức khỏe cộng đồng do nồng độ bụi vượt ngưỡng Quy chuẩn Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ lớn (ở Hà Nội là 237 ngày. Đà Nẵng là 128 ngày…)”, báo cáo nêu rõ.

Một điều khiến nhiều đại biểu tham dự lễ công bố báo cáo quan tâm, đó là nồng độ bụi mịn, lần đầu tiên được đưa vào báo cáo Môi trường Quốc gia. Theo báo cáo, trong thành phần bụi ở Việt Nam thì tỷ lệ bụi mịn chiếm tỷ trọng tương đối cao. Số liệu đo được tại trạm quan trắc Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) từ 2010 - 2013 cho thấy tỷ lệ này có sự dao động theo quy luật và ô nhiễm tập trung vào các tháng có nhiệt độ thấp hoặc không khí khô làm cản trở sự phát tán của các chất ô nhiễm ở tầng mặt.

Bụi vào phổi dẫn đến các bệnh về hô hấp


Còn tại các khu công nghiệp, vấn đề nổi cộm trong ô nhiễm môi trường không khí hiện nay cũng là vấn đề ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi tại rất nhiều điểm quan trắc xung quanh các khu công nghiệp vượt giới hạn cho phép, thậm chí vượt nhiều lần, trong đó nồng độ bụi xung quanh các khu công nghiệp miền Bắc cao hơn hẳn các khu công nghiệp miền Nam.

Theo kết quả nghiên cứu đến tháng 12/2010 của Cục Y tế (Bộ Giao thông Vận tải), tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn thành phố Hồ Chí Minh Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm hơn, thêm vào đó, Hà Nội còn chịu tác động của biến đổi thời tiết mạnh hơn, đặc biệt là về mùa đông. Trong đó, trẻ em là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người lớn do nhóm tuổi của trẻ em nhạy cảm hơn với ô nhiễm môi trường.

Hà Nội ô nhiễm bụi nặng nề, đe dọa sức khỏe người dân

“Trẻ em ở lứa tuổi học đường sống quanh các nút giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ rệt tới sức khỏe như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật. Theo thống kê năm 2008, tại các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp đang tăng mạnh so với nhiều năm trước đó. Còn thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho thấy, số trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp, bệnh viêm tai giữa, bệnh xuyễn hay dị tật bẩm sinh tăng mạnh từng năm”, báo cáo nêu rõ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, bụi trên các tuyến đường giao thông có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vì chúng có thể di chuyển dễ dàng vào luồng khí thở và đi vào phổi. Những tác động của bụi đến sức khỏe thường thấy như đau rát họng, ho hoặc khó thở, từ đó làm giảm chức năng của phổi, làm bệnh hen suyễn nặng thêm, đau tim thường trực.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác chỉ ra, TP. Hồ Chí Minh là khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất trong cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng. Tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện năm 2011 tại các địa phương này cao gấp 10 - 15 lần những địa phương có hoạt động công nghiệp ít phát triển như Bắc Kạn, Điện Biên…

Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, hiện trạng, tác động và xu hướng các vấn đề có liên quan đến môi trường không khí tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách, kế hoạch và giải pháp nhằm bảo vệ môi trường không khí. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong tiến trình phát triển KT-XH và các khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.

ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội