Hôn nhân thực chất là một cuộc cởi đồ toàn diện

Yêu rồi quên cưới

Bạn bè tôi, có người đã sống với người vợ chưa hôn thú thứ hai(!), có người đã bước qua cuộc sống trăng mật với người chồng chưa cưới tới… năm thứ mười.

Tôi rất ngạc nhiên bởi “ăn cơm trước kẻng”, hoặc “sống thử” dường như chỉ nghe nói nhiều ở giới nghệ sĩ đầy mình cá tính, hoặc ở lứa sinh viên, đến với nhau vì nghèo và ít điều kiện để lựa chọn.

Tôi chỉ hỏi những người bạn ấy: Tại sao các cậu không cưới nhau? Bạn bè tôi thường tránh trả lời. Có thể câu trả lời sẽ làm tổn thương họ hoặc làm tổn thương người họ yêu. Hoặc quá dài.

Tôi thường tò mò hỏi nữa, vậy có yêu nhau không, có ý định gắn bó lâu dài không? Câu này thì tất cả đều gật đầu, nói có.


Không lẽ tờ hôn thú ngày càng mất giá trị, khi bạn bè tôi, có công ăn việc làm, có thu nhập và học vấn, đã lựa chọn tình yêu chứ không lựa chọn tờ hôn thú?

Tôi lại hỏi lại, vậy nếu thật sự yêu nhau lâu như thế, đã sống cùng nhau hoặc đã giữ quan hệ tình cảm và kinh tế y như của vợ chồng, chỉ còn thiếu tờ giấy đăng ký kết hôn, vậy tại sao không cưới? Cũng không ai trả lời thẳng.

Trong số bạn bè tôi quen, chỉ có một đôi sau thời gian “sống thử” đã cưới nhau thật, đó là khi người vợ mang bầu đứa con đầu lòng. Họ đăng ký kết hôn vì tương lai của đứa con chứ không phải vì bất kỳ điều gì khác.

Không lẽ tờ hôn thú ngày càng mất giá trị, khi bạn bè tôi, có công ăn việc làm, có thu nhập và học vấn, đã lựa chọn tình yêu chứ không lựa chọn tờ hôn thú? Hay bởi họ yêu nhau lâu quá rồi, lâu tới mức không buồn cưới nhau nữa?

Lần này thì khá nhiều anh bạn tôi đồng ý. Bạn tôi nói, sống chung ba bốn năm rồi, cái gì cũng đã biết hết về nhau, ngay cả thói xấu nhất cũng như bộ quần áo rách nhất, vậy thì cưới chỉ còn là thủ tục, thích cưới lúc nào chả được, vì cưới xong cũng chả có gì thay đổi trong cuộc sống cả!

Còn người bạn gái học chung cấp ba với tôi, đã yêu suốt bảy năm trời thì nói: chồng (chưa cưới) của tớ nói y hệt như thế đấy. Sống thế này khác gì đã cưới, lúc nào cũng ở trong tuần trăng mật, lại rất thuận lợi cho sự nghiệp, năm ngoái lại mới mở công ty, nên cứ dồn sức để sống và… yêu, kết hôn là thủ tục sẽ làm vào lúc chẳng đặng đừng.

Tôi rất muốn hỏi lúc chẳng đặng đừng là lúc nào? Bạn tôi chỉ kể thêm, người yêu bạn bây giờ, thời sinh viên đã sống chung với bạn gái ba năm, thế mà rồi sau còn bỏ nhau, chỉ vì cô kia không đợi được, ra trường cứ đòi cưới, rồi cuối cùng bỏ đi lấy chồng. Còn bạn tôi, bạn tôi không đợi đám cưới.

Tôi hỏi tại sao? Cô bạn nói, gia đình cô cũng luôn gây sức ép, nhưng hiếm gì gia đình có hôn thú mà bất hạnh, hiếm gì những đứa con sinh ra không được bố nó đoái hoài, cưới mà chấm hết thì thà không cưới mà hạnh phúc còn hơn. Cho dù miệng lưỡi thế gian cũng cay nghiệt lắm – cô công nhận! Và thực ra bạn tôi cũng muốn có được… một bộ ảnh cưới đẹp lung linh, muốn lắm chứ!

Ông xã của bạn tôi đi tới, mỉm cười, nói đùa rằng: trên tay em đã có nhẫn kim cương của anh, em còn cảm thấy thiếu hay sao? Nếu anh và em cưới nhau bảy năm rồi, thì liệu ngày hôm nay em có yêu anh như thế này không, hay lúc đó em sẽ ngồi nói kể tội anh và than vãn gia đình nhà chồng?

Cưới rồi quên yêu

Đó là sự thật. Người vợ bảy năm sau đám cưới sẽ ngồi khen con và chê chồng giữa đám bạn bè, như tôi và lũ bạn đàn bà cùng lớp cũ, chứ khó có thể như cô bạn tôi, xinh đẹp và hạnh phúc trong tuần trăng mật lứa đôi.

Thật khó nói được những gì chúng ta được và mất từ trong hôn nhân. Có nhiều người sau đám cưới mới được nhìn thấy toàn bộ thân thể người yêu, cũng như nhận ra toàn bộ cuộc sống thật đời thường của người mình vẫn yêu.

Tôi vẫn nhớ một cuốn sách có lời khuyên các cô gái trẻ đang tuổi yêu, hãy luôn mặc bộ đồ lót xinh đẹp bên trong bộ quần áo thời trang của bạn, bởi biết đâu, bạn sẽ gặp người đàn ông bạn yêu tối nay và rồi… sẽ cởi đồ trước chàng. Mà không gì làm chúng ta vỡ mộng thê thảm hơn việc, phát hiện đằng sau vẻ đẹp đẽ hấp dẫn, cô ấy (hay anh ấy) thực ra có một vết thủng trên quần đùi, hoặc một chiếc áo lót ố vàng cũ kỹ.

Tôi thấy hôn nhân thực chất là một cuộc cởi đồ toàn diện, cả về tính cách, thói quen sống lẫn kinh tế. Sau cưới, người đàn ông và người đàn bà sẽ trần trụi trước nhau, không phải chỉ khi tắt đèn trong phòng ngủ. Và những ngõ ngách của cuộc sống khi bị phơi trần ra, không còn thơ mộng như lúc ta chỉ gặp nhau đôi phút trong ngày, uống cùng một tách cà phê, trao cùng nhau một nụ hôn, rồi ai về nhà người nấy.

Cưới rồi, quên yêu là vì thế. Và tất cả những bạn bè cũ chúng tôi, lứa đã chồng con hay vợ con đề huề, đều ít nhiều trở thành nhân chứng cho điều đó. Không phải vì tình yêu không quan trọng trong cuộc sống gia đình, mà là vì chúng ta phải nhớ quá nhiều nghĩa vụ, đã quên dành ra thời gian để hôn nhau.

Quên cả cảm giác sợ sẽ mất nhau. Quên cả sự rung động mong nhớ khi không được gặp. Và lại có thêm nhiều thời gian nhìn thấy lỗ thủng trên quần đùi hoặc vết ố vàng trên áo lót.

Có nhiều cô cậu sinh viên đã góp gạo thổi cơm chung chỉ vì yêu nhau và tiết kiệm không gian, tiết kiệm tiền, không có nhiều lựa chọn. Có nhiều đàn ông đàn bà trưởng thành đã chọn cách này lại bởi yêu nhau và đã có được quá nhiều không gian, có được nhiều tiền, và lại có rất nhiều sự lựa chọn.

Thế mà vừa rồi, tôi lại nhận được thiệp mời cưới vào tháng sau của hai người bạn đã yêu nhau gần mười lăm năm, mà không cưới. Tôi hỏi, có phải cuộc marathon yêu chấm dứt?

Cô bạn tôi nói, không, cưới xong, hai chúng tôi vẫn ai ở nhà nấy, và ít nhất sẽ vẫn không thể đẻ con cho tới năm bốn mươi tuổi.

Vì sao vậy? Bạn tôi nói vì quá bận, anh kia đi làm về tối nhậu nhẹt bia bọt, la cà bạn bè, cưới hay không cưới thì vẫn chín mười giờ mới vác mặt về ăn cơm nguội của mẹ. Bạn tôi là bác sĩ, tan sở phải chạy ra phòng khám riêng làm cho tới chín rưỡi tối, mười giờ về nhà ăn uống tắm giặt lăn ra ngủ, sáu giờ sáng đã phải rắp ranh lên bệnh viện sớm, chưa kể những ngày cuối tuần trực cấp cứu. Làm gì còn thời gian dành cho nhau. Có cưới thì cũng vẫn sống riêng như hồi còn yêu.

Bây giờ đến lượt tôi buột miệng nói, nếu vậy, thì cứ yêu nhau tiếp đi, chứ cưới nhau làm gì?
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội