Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi có nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng thuốc - Ảnh: Hoàng Trang
Dùng 1 viên/ngày, kê 200 viên/tháng
Theo kết luận của Thanh tra Sở Y tế, nội dung tố cáo của bà Việt về việc bệnh viện (BV) lập kế hoạch dự trù mua thuốc không sát thực tế, dẫn đến có lúc phải dùng quá nhiều, thậm chí kê đơn thuốc không an toàn cho bệnh nhân, là đúng.Theo bà Việt, trong năm 2012, do nhập quá nhiều thuốc, làm tồn kho khoảng 20 tỉ đồng nên lãnh đạo BV đã chủ trương các khoa dùng thuốc theo kiểu “tháo khoán”. Đơn cử, những mặt hàng thuộc nhóm thuốc beta như Dorocardyl 40 mg (propranolol) đều được các bác sĩ kê cho bệnh nhân từ 100 - 200 viên/tháng, mặc dù bệnh nhân chỉ dùng 1 viên/ngày. Trong báo cáo gửi lãnh đạo BV cuối 2012, Khoa Dược nêu có khoảng 273 mặt hàng thuốc còn tồn, từ trên 5 tháng hoặc… hằng năm. Ngược lại, tính đến thời điểm kiểm kê vào ngày 30/11/2012, có tới hàng trăm chủng loại không có thuốc thay thế, với khoảng thời gian sử dụng đến 5 tháng.
Kết luận thanh tra cũng xác định một số nội dung tố cáo khác của bà Việt là đúng, như BV để thất lạc thuốc, chây ì trả nợ khiến công ty dược ngừng cấp thuốc, bổ nhiệm nhân sự sai nguyên tắc…
Tiếp tục tố cáo
Một trong những nội dung bà Việt tố có sai phạm nghiêm trọng nhất là việc đấu thầu thuốc tại BV. Theo đó, tháng 11/2011, lãnh đạo BV đã mời các công ty tham dự thầu gói thầu cung ứng thuốc 6 tháng cuối năm 2011 đến làm việc (sau khi gói thầu này đã được mở) để bổ sung thêm hồ sơ, đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng luật Đấu thầu.Cũng trong năm 2011, lãnh đạo BV Thanh Nhàn hủy kế hoạch mua thuốc của hội đồng thuốc, tự đưa vào danh mục đấu thầu thuốc theo tên biệt dược (một hình thức chỉ định thầu có riêng cho ngành y tế) 27 mặt hàng thuốc chưa bao giờ được sử dụng tại BV, không có khoa lâm sàng nào đề nghị sử dụng. Chỉ tính riêng 6/27 thuốc trong danh mục thuốc này, trị giá đã hơn 5 tỉ đồng.
Đáng chú ý, bà Việt cho rằng lãnh đạo BV đã chỉ định thầu nhiều loại thuốc có giá cao hơn bình thường, như mức giá trúng thầu đối với thuốc Rigofin 1 gr là 82 nghìn đồng/lọ, trong khi giá loại thuốc này trúng thầu tại BV Bắc Giang và BV Bạch Mai chỉ hơn 62 nghìn đồng/lọ; gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 700 triệu đồng…
Qua xác minh, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng nội dung tố cáo về đấu thầu nói trên của bà Việt chưa chính xác. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng BV Thanh Nhàn để mất dự trù thuốc 6 tháng cuối năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 của các khoa lâm sàng là không đúng quy định về lưu trữ hồ sơ văn bản.Trao đổi với PV, bà Việt cho biết đang tiếp tục gửi đơn tố cáo lần 2 tới các cơ quan chức năng TP vì không đồng ý toàn bộ kết luận thanh tra và cho rằng kết luận này có biểu hiện bao che sai. Bà Việt cũng cho rằng trong hoạt động đấu thầu tại BV “có dấu hiệu lợi ích nhóm”, từ năm 2011 bà đã phát hiện một số vi phạm và cảnh báo, nhưng không được lãnh đạo BV chấp nhận, còn loại bà khỏi hoạt động đấu thầu.Để làm rõ thêm vụ việc, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Đức, người ký thông báo kết luận thanh tra để làm rõ thêm sự việc, nhưng ông Đức từ chối và “đẩy” sang Giám đốc Sở Y tế.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn