"Con đĩ đánh bồng" là một trong những "đặc sản" của văn hóa hội làng Triều Khúc
Sáng 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tưng bừng khai hội thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách thập phương
Điều đặc biệt của lễ hội làng Triều Khúc là sự xuất hiện của những chàng trai quấn áo mớ ba, mớ bẩy hóa trang má phấn môi son để chuẩn bị cho màn múa "con đĩ đánh bồng" đặc sắc trong lễ hội
Tiếng trống khai hội tưng bừng, giòn giã vang lên trong sân đình khiến không khí ngày hội thêm phần náo nhiệt
Kèn trống vang lên cũng là lúc điệu múa "con đĩ đánh bồng" được bắt đầu. Khi biểu diễn, các chàng phải nhảy múa uốn éo, thể hiện sự lẳng lơ, bông đùa để gây sự chú ý của người xung quanh. Câu nói dân gian "Lẳng lơ như đĩ đánh bồng" cũng ra đời từ đây.
Điệu múa dân gian "con đĩ đánh bồng" phục vụ cho việc tế lễ thánh làng Triều Khúc là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sỹ, sau này, điệu múa trở thành đặc trưng trong những ngày hội làng Triều Khúc.
Điều quan trọng trong điệu múa bồng, đó là các chàng trai chân tay phải lả lướt, ánh mắt đong đưa và sự phối hợp nhịp nhàng của hai người múa cặp với nhau. Đội múa gồm 6 chàng trai mặc váy yếm đào, chít khăn mỏ quạ, điểm phấn son, giả làm con gái nhảy múa. Trước bụng mỗi người đeo một cái trống bồng.
Hai "cô gái" khi giáp mặt thì nhìn nhau thẹn thùng, khi cách xa thì trao nhau ánh mắt lẳng lơ
Theo Bùi Văn Hảo, 25 tuổi có 4 năm trong nghề múa bồng cho biết để được tuyển chọn vào đội múa, trai làng phải đáp ứng một số điều kiện như: Chưa vợ, đạo đức tốt, hiếu học, gương mặt tuấn tú và có dáng người dong dỏng.
Ngoài điệu múa bồng, các em nhỏ duyên dáng trong điệu múa Sinh tiền truyền thống của làng cũng được nhiều người khen ngợi
Sau lễ khai hội và nhập tịch, còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống của làng như: Đánh cờ người, hát thuyền trên ao đình, vật tự do, cầu lông, chọi gà...
Lễ hội kéo dài đến ngày 12 tháng Giêng, thánh sẽ được rước về đình thờ Sắc của làng.